Hà Nội: Dự kiến nguồn vốn đầu tư công năm 2025 tăng hơn 358 tỷ đồng

Theo định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của TP. Hà Nội, dự kiến nguồn vốn đầu tư công năm 2025 là 81.392,083 tỷ đồng, tăng hơn 358 tỷ đồng so với năm 2024.

Kỳ họp thứ mười bảy - HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI

Kỳ họp thứ mười bảy - HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI

Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội cho biết, ngày 1/7/2024, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ mười bảy - HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, ông Lê Anh Quân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã trình bày Tờ trình điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp Thành phố năm 2024 và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 của TP. Hà Nội; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố.

Điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng thực hiện, giải ngân tốt

Về phương án điều chỉnh Kế hoạch năm 2024, đối với nguồn vốn ODA, UBND Thành phố đề xuất điều hòa 6,03 tỷ đồng nguồn ODA cấp phát và 2,97 tỷ đồng nguồn ODA vay lại của dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Dự án tuyến 3.1) để bổ sung cho dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội.

Đối với nguồn ngân sách Trung ương trong nước, Thành phố điều hòa kế hoạch vốn giữa các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1.1 xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cụ thể: Điều chỉnh giảm 100 tỷ đồng giao huyện Thanh Oai; 10 tỷ đồng của huyện Sóc Sơn và điều chỉnh tăng 110 tỷ đồng cho quận Hà Đông.

Đối với nguồn ngân sách Thành phố trong nước, đề xuất điều chỉnh giảm 2.516,372 tỷ đồng của các nhiệm vụ, nguồn vốn; sử dụng nguồn này cho 202 nhiệm vụ, dự án do có khả năng thực hiện, giải ngân tốt. Sau phương án điều chỉnh, còn 6.184,342 tỷ đồng thực hiện theo cơ chế thanh toán linh hoạt (giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, quyết toán dự án hoàn thành, thiết kế bản vẽ thi công) và hoàn trả vốn ứng cho Quỹ đầu tư phát triển Thành phố.

Về nguồn vốn đầu tư công năm 2025 dự kiến là 81.392,083 tỷ đồng, tăng 358,903 tỷ đồng so với năm 2024. Phương án dự kiến phân bổ Kế hoạch đầu tư công năm 2025 cấp Thành phố (63.742,083 tỷ đồng) bao gồm: Bố trí vốn thu hồi ứng trước, hoàn trả quỹ đầu tư phát triển Thành phố, vốn giải ngân theo cơ chế thanh toán linh hoạt, hỗ trợ địa phương bạn là 3.299,14 tỷ đồng; vốn phân bổ thực hiện dự án đầu tư công Thành phố là 48.602,007 tỷ đồng; vốn bố trí thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.431,51 tỷ đồng; Ngân sách Thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện là 10.409,426 tỷ đồng.

Ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trình bày Tờ trình. (Ảnh: hanoi.gov.vn)

Ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trình bày Tờ trình. (Ảnh: hanoi.gov.vn)

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố đến nay đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 248.034,036 tỷ đồng, còn 6.281,69 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp Thành phố đến nay đã bố trí hàng năm giai đoạn 2021-2024 là 144.878 tỷ đồng chiếm 57% kế hoạch, còn lại phải bố trí là 109.437 tỷ đồng, chiếm 43% kế hoạch.

Chi tiết các phương án rà soát và đề xuất được UBND Thành phố dự kiến: Phương án 1 (theo khả năng thực hiện dự án) giảm 14.000 tỷ đồng ngân sách trong nước; 2.567,095 tỷ đồng vốn ODA vay lại; tổng giảm là 16.567,095 tỷ đồng. Phương án 2 (theo khả năng thực hiện và khả năng cắt giảm để cân đối nguồn vốn) giảm 21.000 tỷ đồng ngân sách trong nước; 2.567,095 tỷ đồng vốn ODA vay lại; tổng giảm là 23.567,095 tỷ đồng.

Như vậy, sau điều chỉnh, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố theo phương án 1 là 237.748,631 tỷ đồng; phương án 2 là 230.748,631 tỷ đồng.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm

Theo Cục Thống kê Hà Nội, năm 2024, TP. Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205,5 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24,4 nghìn tỷ đồng); có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7,2 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1,1 nghìn tỷ đồng). Lĩnh vực giao thông với 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn.

Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố đang được khẩn trương thi công, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 9,6%.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 32,4% kế hoạch vốn.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 7,5% kế hoạch vốn.

Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 7,3% kế hoạch vốn.

Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1: Với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 53,6% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2024.

Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: Dự án được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 39,6 nghìn m2 , trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2 . Đến nay dự án đã giải ngân 75,8% kế hoạch vốn. Dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong quý III năm 2024.

Thanh Hà

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ha-noi--du-kien-nguon-von-dau-tu-cong-nam-2025-tang-hon-358-ty-dong-123126.htm