Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI

Từ khi Việt Nam mở cửa, Hà Nội luôn đứng hàng đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mặc dù cũng gặp không ít khó khăn, bất lợi.

Là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Ảnh: Ngô Sơn

Là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Ảnh: Ngô Sơn

Luôn đứng hàng đầu trong nhiều năm qua

Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất của Hà Nội là bất động sản (chiếm 63%), tiếp theo là dịch vụ buôn bán hàng hóa (9%)... Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Trong đó, một số dự án đầu tư lớn đã được cấp phép, như: Dự án Khu đô thị TP thông minh, với tổng vốn đăng ký 4,1 tỷ USD; 2 dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có vốn 400 triệu USD; dự án Trung tâm Nghiên cứu R&D trị giá 210 triệu USD của Samsung…

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, tính chung 7 tháng năm 2023, toàn TP thu hút 2.282 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt 97,5 triệu USD; 108 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 193,5 triệu USD; 190 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 1.991 triệu USD (trong đó 1 lượt giao dịch của nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo mua cổ phiếu của VPBank trên sàn giao dịch chứng khoán với giá trị giao dịch đạt 1.500 triệu USD).

Chỉ trong tháng 7/2023, TP Hà Nội đã có 37 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 22,2 triệu USD. Cùng với đó là 18 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 24,5 triệu USD; 1 dự án điều chỉnh giảm vốn 40 triệu USD (Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử Meiko tại Khu công nghiệp Quang Minh); nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 19 lượt, đạt 10,4 triệu USD.

Các nước có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, châu Âu và Mỹ... Dự án tập trung vào các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản; công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng; dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống; y tế và giáo dục...

Những yếu tố giúp Hà Nội dẫn đầu các tỉnh, TP về thu hút vốn đầu tư nước ngoài gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Không chỉ cho thấy vị thế “đất lành chim đậu”, yếu tố chủ quan là Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ DN, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng DN.

Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng phát triển nền tảng số, cải cách thể chế, cắt giảm, liên thông các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN. Đồng thời ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ DN, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...

Nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế để nhanh chóng khắc phục

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH&ĐT Hà Nội, kết quả đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Việc thu hút các dự án FDI có sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do thủ tục chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án kéo dài. Quỹ đất sạch, nhà xưởng đáp ứng điều kiện cho thu hút đầu tư mới, mở rộng nhà máy rất hạn chế. Thông tin pháp lý quan trọng để nhà đầu tư xác định kế hoạch và hiệu quả đầu tư dự án còn thiếu. Giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp của TP cao hơn so với các địa phương lân cận (gấp khoảng 1,5-2 lần) khiến chi phí đầu tư ban đầu của nhà đầu tư lớn, không tạo được lợi thế cạnh tranh...

TP chưa thu hút được các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao. Quy mô vốn đầu tư/dự án có xu hướng giảm xuống. Mức vốn thực hiện chỉ chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngoài ra, việc xây dựng và thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư của TP tại nước ngoài gặp khó khăn. Việc xây dựng danh mục dự án, quảng bá môi trường đầu tư Hà Nội đáp ứng về số lượng, nhưng các thông tin cơ bản để kêu gọi đầu tư như ranh giới, hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch, cơ chế tài chính thực hiện… còn thiếu và hạn chế, vì vậy chưa thu hút các nhà đầu tư quan tâm.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn, Sở KH&ĐT cho biết, TP sẽ chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực.

TP sẽ thu hút FDI theo chiều sâu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng TP thông minh, công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…; tiếp cận để nhận đầu tư từ các Cty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao; nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo…

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-dung-dau-ca-nuoc-ve-thu-hut-fdi-346416.html