Hà Nội dừng đón khách, đóng cửa di tích phòng dịch corona
Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, di tích đền Sóc... đồng loạt đóng cửa chiều 4/2 sau văn bản hỏa tốc của Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Yêu cầu hỏa tốc
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Hà Nội ngày 4/2 ký công văn hỏa tốc số 269 gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị thuộc Sở VHTT Hà Nội về triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trong hoạt động lễ hội 2020.
Sở đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo dừng tổ chức tất cả các lễ hội theo đúng chỉ đạo tại công điện số 396 của Bộ VHTTDL và công văn số 343 của UBND TP Hà Nội cho đến khi có thông báo mới. “Tạm dừng đón khách tham quan và các hoạt động văn hóa tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp theo nhiệm vụ phân công) để tránh tâp trung đông người. Tuyên truyền, giải thích cho nhân dân và du khách biết, thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”, Sở đề nghị.
Chính quyền địa phương cần theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin tới người dân, đồng thời khuyến cáo người dân đeo khẩu trang y tế khi tham gia hoạt động nơi công cộng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát miễn phí khẩu trang cho nhân dân. Các UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, UBND TP về phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày qua đường dây nóng của thành phố, báo cáo bằng văn bản về Sở VHTT Hà Nội trước 15h thứ ba và thứ sáu hằng tuần.
Thanh tra Sở cũng lên kế hoạch kiểm tra công tác thực hiện việc dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa tại di tích, danh lam thắng cảnh để phòng, chống dịch, bệnh.
Dừng đón khách
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa-Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho Tiền Phong biết, từ 15h chiều 4/2 Văn Miếu dừng bán vé đón khách. Việc đóng cửa di tích chắc chắn ảnh hưởng không chỉ tới nguồn thu của di tích, mà còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp lữ hành nhận tour của khách quốc tế từ trước. “Chúng tôi chấp hành chỉ đạo của trung ương và thành phố, hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát”, ông Lê Xuân Kiêu nói. Tết năm nay, lượng khách đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám chỉ bằng 40% so với cùng kỳ mọi năm.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cho biết, từ 15h chiều 4/2, Trung tâm tạm dừng đón khách tham quan tại Hoàng thành và Khu di tích Cổ Loa. Ban quản lý đền Ngọc Sơn cũng dừng đón khách theo tinh thần công văn mới nhất từ Hà Nội.
Phủ Tây Hồ vẫn khá đông người dâng lễ chiều 4/2, tuy nhiên BQL cho biết Phủ chỉ đón khách hết 4/2, chính thức đóng cửa từ 5/2. Du khách đến Phủ lễ chỉ vái vọng từ bên ngoài.
Khu di tích-danh thắng Hương Sơn ngày 4/2 cũng thưa vắng khách, khoảng chưa đầy 6 nghìn người. Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL khu di tích-danh thắng Hương Sơn cho biết, khu vực chùa Hương gần như trở về hoạt động ngày thường, thi thoảng mới thấy thuyền đò chở khách. “Huyện cũng rút các lực lượng trưng tập tăng cường cho lễ hội chùa Hương”, ông Hiển nói với Tiền Phong.
Những ngày qua dịch bệnh diễn biến phức tạp, BQL tích cực tuyên truyền cho nhân dân và du khách hạn chế tụ tập đông người và tăng cường các biện pháp phòng dịch.
Khúc mắc quanh từ “đóng cửa”
Xung quanh chỉ đạo “tạm dừng mọi hoạt động khách tham quan và tổ chức các hoạt động văn hóa tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp theo nhiệm vụ phân công) để tránh tâp trung đông người”, nhiều đơn vị không khỏi thắc mắc. Động thái này đồng nghĩa du khách không tiếp cận được các di tích có bán vé tham quan như Văn Miếu, Hoàng thành, đền Ngọc Sơn hay Hương Sơn.
Đem thắc mắc hỏi Bộ VHTTDL, lãnh đạo Bộ giải thích việc tạm dừng hoạt động nhằm tránh tập trung đông người, không có nghĩa đóng cửa các di tích.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cũng nói văn bản của Hà Nội không hề nhắc chuyện “đóng cửa”. Thực tế là một loạt đơn vị quản lý di tích có bán vé của Hà Nội đều dừng hoạt động và đóng cửa, bởi nếu mở cửa phải đón khách và bán vé theo quy định của UBND TP. Hà Nội.
Tạm dừng phố đi bộ Hồ Gươm để phòng dịch
Ngày 4/2, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong có thông báo về việc tạm dừng hoạt động phố đi bộ trên địa bàn.
Theo đó, để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch corona, hạn chế các hoạt động tập trung đông người, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tạm dừng tổ chức các hoạt động tại không gian đi bộ từ ngày 3/2/2020. Các hoạt động chỉ được tiếp tục thực hiện sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đồng ý với đề xuất của Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm về việc tạm dừng hoạt động phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Thời gian tạm dừng có thể kéo dài tới 20 ngày tới, sau đó mới tính toán tổ chức hoạt động trở lại. Đồng thời chỉ đạo các ngành, quận, huyện thực hiện nghiêm việc dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc đã được UBND thành phố chỉ đạo từ trước.