Hà Nội dừng tất cả các lễ hội đầu năm
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện nơi có các lễ hội kéo dài nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của thành phố về việc tạm dừng tất cả các hoạt động lễ hội và đón khách cho đến Rằm tháng Giêng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hà Nội với các đơn vị liên quan, ngành y tế Hà Nội cho biết đang tiếp tục thực hiện cách ly chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội để chủ động giám sát, phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Quận Nam Từ Liêm cho biết đã kiểm soát tốt khu cách ly tạm thời Trường Tiểu học Xuân Phương và sẽ giao cho các đơn vị làm công tác khử khuẩn sau khi những trường hợp có kết quả âm tính lần 3 còn lại về nhà vào 6h sáng ngày 14/2 (mồng 3 Tết), để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học.
Đối với tòa nhà Garden Hill (99 Trần Bình, Mỹ Đình 2), sau khi lấy xét nghiệm và có kết quả âm tính của 844 người, vào ngày 14/2, quận sẽ dỡ dần phong tỏa; đồng thời, cho biết đã tổ chức tặng quà và đảm bảo an sinh cho cư dân tại đây dịp Tết Nguyên đán.
Đại diện huyện Mỹ Đức cho biết, Ban Quản lý Lễ hội chùa Hương đã có văn bản dừng tổ chức khai hội và lễ hội chùa Hương. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, huyện quyết định sẽ không tổ chức đón khách đến chùa Hương nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, đêm Giao thừa, các di tích đều mở của đón khách thập phương và đều có các phương án phòng, chống dịch tốt và đồng bộ; đặc biệt là tại các di tích lớn như: phủ Tây Hồ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn… đã thực hiện nghiêm "2k" là: khẩu trang và sát khuẩn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, nguy cơ còn cao do một bộ phận người dân còn chủ quan. Dịp Tết, nhiều điểm công cộng như hồ Hoàn Kiếm hay các đình, đền, chùa, khu di tích… người dân còn chưa tuân thủ việc đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang chưa đúng cách…
Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường kiểm tra, xử phạt 15 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch, tập trung vào khu vực các quán cà phê, quán nước vỉa hè, khu vực công cộng, danh lam, thắng cảnh...
Các địa phương tập trung quản lý tốt nhân khẩu, hộ khẩu nắm chắc người dân trở về từ các vùng dịch để khai báo y tế; phát huy vai trò của hơn 10.000 tổ giám sát cộng đồng, lưu ý các địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp,... có nhiều công nhân về quê ăn Tết trở lại Hà Nội làm việc để quản lý, phòng dịch. Về công tác tổ chức lễ hội, thành phố đã ban hành Chỉ thị, trong đó dừng tất cả các lễ hội đầu năm. Phải đảm bảo an toàn, nếu để xảy ra việc phải cách ly cả thôn, cả làng thì rất khó khăn. Các đơn vị có lễ hội kéo dài thì tính toán, từ nay đến rằm tháng Giêng tạm thời không đón khách thập phương; công khai để đảm bảo kỷ cương chung. Không được nhập nhằng chuyện không tổ chức lễ hội nhưng tổ chức đón khách, phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo.
Ngoài ra, người dân phải khai báo y tế để nắm chắc lịch trình, sức khỏe. Đặc biệt, tại các địa bàn có khu chế xuất, công nghiệp phải quản lý chặt công nhân từ quê lên, trên tinh thần: "Không ngăn sông cấm chợ, không gây khó dễ cho người dân".
Về công tác xét nghiệm tại Cảng vụ hàng không quốc tế Nội Bài, yêu cầu Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) địa phương lấy mẫu xét nghiệm ngay các nhân viên đã về quê. Đến nay, đã lấy hơn 12.000 mẫu và có kết quả âm tính, nhưng nếu bỏ sót vài chục mẫu thì toàn bộ công sức là vô ích. Nếu nhân viên đã về quê thì phải đến CDC địa phương để lấy mẫu và gửi kết quả ngay về CDC Hà Nội. Nếu có một ca dương tính chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt, thiệt hại lớn an sinh xã hội.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-dung-tat-ca-hoat-dong-le-hoi-n186815.html