Hà Nội được cung ứng hơn 1.000 m3 xăng dầu, giảm áp lực về nguồn
Cùng với việc Hà Nội được cung ứng thêm hơn 1.000 m3 xăng dầu, phía Petrolimex đã yêu cầu tất cả 96 cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp này phục vụ khách hàng 24/24h từ ngày 8-13/11.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đến hết ngày 7/11, thành phố đã được cung ứng thêm hơn 1.000 m3 xăng và dầu cho 5 thương nhân phân phối trên địa bàn và đã giảm bớt khó khăn về nguồn cung mặt hàng này trên toàn thành phố.
Cùng với đó, thành phố tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp vận chuyển xăng dầu vào thành phố 24/24h. Tính đến hết ngày 7/11, 100% hồ sơ của các doanh nghiệp nộp Sở Giao thông Vận tải đã được cấp phép đầy đủ.
Đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết tất cả 96 cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên địa bàn Hà Nội sẽ phục vụ khách hàng 24/24h từ ngày 8-13/11.
Theo đó, các khách có thể tìm kiếm cửa hàng xăng dầu gần nhất thuộc hệ thống bán lẻ của Petrolimex tại bản đồ trên website Petrolimex.com.vn và app Petrolimex (ứng dụng di động tải từ chợ ứng dụng Android và iOS) để được phục vụ.
Petrolimex cũng khuyến nghị khách hàng lựa chọn lộ trình giao thông, thời gian mua hàng, vị trí cửa hàng xăng dầu phù hợp để được phục vụ tốt nhất.
Liên quan tới mặt hàng này, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Ngọc Dương, cho biết từ đêm 4/11 đến rạng sáng 5/11, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nâng dần công suất lên 112% để góp phần giảm áp lực nguồn cung xăng dầu cho đất nước.
Với việc tăng công suất theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, BSR đang tập trung đàm phán với các chủ mỏ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để tăng sản lượng khai thác, bổ sung thêm nguồn dầu thô tháng 11 và 12/2022 cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
“Nếu các đàm phán thành công, đây sẽ là nguồn nguyên liệu bổ sung nhanh nhất và BSR đã chuẩn bị sẵn sàng các đội tàu vận chuyển cập nhanh vào mỏ để tiếp nhận dầu thô,” đại diện BSR cho hay.
Bên cạnh đó, BSR đã đẩy mạnh mua các sản phẩm trung gian từ các nhà máy lọc dầu của Singapore và Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) để chế biến sản phẩm xăng dầu và phần "nguyên liệu" đầu vào hiện chiếm khoảng 5% đầu vào của BSR./.