Hà Nội: Gần 17.000 tỷ đồng đầu tư 2 dự án giao thông

HĐND TP. Hà Nội đã xem xét thông qua Chủ trương đầu tư xây dựng cầu đường kết nối cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, và Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu. Tổng mức đầu tư 2 dự án giao thông này là 16.920 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 22 vào ngày 29/4, HĐND TP. Hà Nội xem xét thông qua chủ trương đầu tư xây dựng cầu đường kết nối cầu Tứ Liên (từ nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Trường Sa) đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, và Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu.

Trình bày Tờ trình, đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, Dự án đầu tư xây dựng cầu đường kết nối cầu Tứ Liên (từ nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Trường Sa) đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có chiều dài khoảng 5,66km, bề rộng mặt cắt ngang B=60m. Điểm đầu tại nút giao cầu Tứ Liên với đường Trường Sa, điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (thuộc huyện Đông Anh).

Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, tổ chức giao thông, cây xanh, chỉnh trang và di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi... đảm bảo tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Sơ bộ tổng mức đầu tư 5.076 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và ngân sách huyện Đông Anh. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2025-2027.

Phối cảnh cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.

Phối cảnh cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 7,5km. Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội dài khoảng 5,4km, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 2,1km.

Điểm đầu Km0+00 kết nối với điểm cuối tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cách cao tốc khoảng 360m về phía đê Hữu Hồng (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Điểm cuối Km7+500 kết nối với đường Vành đai 3,5 cách đê Tả Hồng khoảng 700m về phía cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trên bàn huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).

Quy mô mặt cắt ngang đoạn tuyến bao gồm cầu và đường song hành hai bên B=60m÷80m.

Cầu chính vượt sông Hồng dài khoảng 680m, bề rộng cầu chính khoảng 32,3m, tổng bề rộng cầu (gồm cả phần neo dây văng) là 38,3m đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Cầu dẫn dài khoảng 6,52km, bề rộng cầu là 33m. Đường dẫn đầu cầu phía Hưng Yên dài khoảng 300m, bề rộng 33m.

Ngoài ra, các hạng mục đầu tư xây dựng gồm: xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, tổ chức giao thông, cây xanh, chỉnh trang và di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi,... đảm bảo tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 11.844 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương và Ngân sách thành phố. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2025 – 2028.

Cần làm rõ tính khả thi trong GPMB, tái định cư

Trình bày báo cáo thẩm tra, đại diện Ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội đề nghị UBND TP. Hà Nội làm rõ một số nội dung.

Với Dự án đầu tư xây dựng đường kết nối cầu Tứ Liên, Ban Đô thị đề nghị UBND thành phố làm rõ giải pháp cân đối, phân bổ nguồn vốn. Bởi hiện nay, thành phố đang triển khai Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Bên cạnh đó, làm rõ tính khả thi trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và chi phí cho công tác đền bù, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết

Với dự án Đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu, Ban Đô thị cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý giao UBND TP. Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

Tuy nhiên, văn bản chưa cho ý kiến về mức hỗ trợ ngân sách từ Trung ương. Do đó, đề nghị UBND thành phố phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp và đề xuất cụ thể mức hỗ trợ ngân sách từ Trung ương cho dự án.

Ban Đô thị cũng đề nghị UBND thành phố nghiên cứu phương án phân công chủ đầu tư thực hiện sau khi hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến của Ban Đô thị. Cụ thể về dự án Xây dựng đường kết nối cầu Tứ Liên, UBND thành phố dự kiến sẽ giao UBND xã Đông Anh làm chủ đầu tư. Xã Đông Anh sau khi sắp xếp là địa bàn lớn nhất với diện tích 48,97km2 và các lợi thế về nguồn thu ngân sách như: thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, thu từ các dự án Trung tâm triển lãm Quốc gia, Khu đô thị mới Đông Anh, Công viên Kim Quy,…

Như vậy, UBND huyện Đông Anh dự kiến sau tổ chức sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vẫn đảm bảo nguồn thu phục vụ chi đầu tư cho xã Đông Anh hình thành mới.

Ngoài ra, diện tích GPMB của dự án khoảng 36,16ha. Trong đó, đất thổ cư khoảng 2,99ha; đất nông nghiệp khoảng 30,15ha; đất công do xã quản lý khoảng 3,01ha. Dự kiến số hộ đủ điều kiện tái định cư là 379 hộ.

Theo đánh giá, hiện trạng diện tích đất cần GPMB thuộc dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, thuận lợi cho công tác GPMB. Đối với các hộ đủ điều kiện tái định cư UBND huyện Đông Anh dự kiến sẽ bố trí về khu tái định cư tại xã Uy Nỗ, xã Cổ Loa và một số dự án khác đang triển khai.

UBND TP. Hà Nội cũng báo cáo, giải trình một số ý kiến liên quan đến Dự án Dự án Đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.

Sau khi thảo luận, HĐND TP. Hà Nội đã xem xét, thông qua 2 Nghị quyết trên.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-gan-17000-ty-dong-dau-tu-2-du-an-giao-thong-post1738235.tpo