Hà Nội: Gần 3.000 lỗi vi phạm phòng cháy chữa cháy, không 'phạt để tồn tại'
Trong 8 tháng đầu năm 2020, Công an Thành phố đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với 36.377 lượt cơ sở (trong đó có 921 lượt kiểm tra liên ngành), phát hiện 13.676 tồn tại, thiếu sót về PCCC; ra quyết định xử phạt 2.123 trường hợp (với 2.908 vi phạm) với số tiền hơn 12,2 tỷ đồng.
Chiều 22/9, báo cáo tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội, Thượng tá Phạm Trung Hiếu –Trưởng phòng Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Thành phố xảy ra 268 vụ cháy (05 vụ cháy lớn, 03 vụ cháy nghiêm trọng, 01 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 96 vụ cháy trung bình, 151 vụ cháy nhỏ, 11 vụ cháy rừng) và 01 vụ nổ. Làm 06 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,2 tỷ đồng; khu vực nội thành xảy ra 150 vụ (chiếm 56,2% số vụ cháy); loại hình cơ sở xảy ra cháy chủ yếu tại nhà dân, nhà kho, xưởng sản xuất (189 vụ, chiếm 70,8% tổng số vụ cháy).
Nguyên nhân chủ yếu do chập điện (167 vụ, chiếm 62,5% tổng số vụ cháy). Ngoài ra còn có 424 vụ chập điện trên cột, 520 sự cố (chập điện trong nhà, cháy rác, phế liệu...).
"Hơn nữa, do địa bàn TP.Hà Nội nhiều ngõ nhỏ, người dân dùng nhiều vật dụng cháy nổ, khiến công tác PCCC, CNCH gặp nhiều khó khăn", Thượng tá Hiếu cho hay.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019, đã giảm 105 vụ cháy, 10 người chết, 06 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 35 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đơn vị đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với 36.377 lượt cơ sở (trong đó có 921 lượt kiểm tra liên ngành), phát hiện 13.676 tồn tại, thiếu sót về PCCC.
Ra quyết định xử phạt 2.123 trường hợp (với 2.908 vi phạm) với số tiền phạt hơn 12,2 tỷ đồng. Tạm đình chỉ 235 lượt cơ sở, đình chỉ 171 lượt cơ sở; ban hành 3.498 công văn kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục.
Cũng theo Thượng tá Hiếu, những hậu quả của cháy nổ xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn. Theo quy định, khi kiểm tra phát hiện những sai phạm thì có những kiến nghị để chủ đầu tư khắc phục. Do đặc thù, điều kiện kinh phí của cơ sở nên họ sẽ cam kết thời gian để thực hiện. Với những sai phạm đã được kiến nghị lần trước nhưng trong lần kiểm tra, phúc tra sau không đảm bảo thì sẽ sử phạt, thậm chí tăng nặng hình phạt hơn.
“Phạt không phải để tồn tại, phạt để các đơn vị khắc phục. Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong xử lý vi phạm. Chung cư cũng là một cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC, khi kiểm tra thì số lượng chung cư ở Hà Nội sẽ rất lớn. Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về kiểm tra, xử lý vi phạm trong PCCC. Những cơ sở vi phạm không khắc phục sẽ bị cắt điện, cắt nước những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy”, Thượng tá Hiếu nói.
Cũng theo đại diện Công an TP Hà Nội, ngay từ khi chung cư xây dựng, đưa vào hoạt động phải được nghiệm thu PCCC. Văn bản nghiệm thu về PCCC là tài liệu để cơ quan cấp phép xây dựng cấp phép đưa vào sử dụng chung cư. Cơ quan chức năng phải tạo những áp lực cho chủ đầu tư, buộc phải khắc phục khi đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn cho người dân.
“Tới đây, nhân kỷ niệm ngày 4/10 “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, đây cũng là dịp để tổ chức các hoạt động hưởng ứng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác PCCC, CNCH, qua đó, góp phần hạn chế số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra”, Thượng tá Hiều cho biết thêm.