Hà Nội, Gia Lai truy tìm, xử lý đối tượng thông tin sai sự thật
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định thông tin 'Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt' là bịa đặt, sai sự thật.
Ngày 26/7, liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội "Sáng mai, Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu... cả nhà chia sẻ cho nhau biết nhé," Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định thông tin trên mạng xã hội nêu trên là bịa đặt, không đúng sự thật.
Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng An ninh mạng phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẩn trương truy tìm tài khoản đăng thông tin sai sự thật, để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Trong diễn biến liên quan, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch," ngày 26/7, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thành lập các tổ công tác (ít nhất 2 tổ/1 phường, xã) thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 17/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố (áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ), đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chỉ tính từ 12h ngày 25/7 đến 12h ngày 26/7, lực lượng chức năng Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, lập hồ sơ đề nghị Ủy ban Nhân dân các cấp xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống dịch 250 trường hợp với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Trong những ngày tiếp theo của đợt giãn cách, Công an thành phố Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với cơ quan, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đồng thời tăng cường xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch, để cùng thành phố sớm đẩy lùi, chiến thắng dịch.
Cũng trong ngày 26/7, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế và Công an tỉnh Gia Lai làm việc và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai trường hợp về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Công dân L.T.D.T (sinh năm 1997, trú thị trấn Kbang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) và T.T.T.H (sinh năm 1986, trú tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ).
Ngày 25/7/2021, chị T. sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải thông tin có nội dung về việc Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh Gia Lai từ chối tiếp nhận công dân cách ly sau khi máy bay hạ cánh tại Cảng hàng không Pleiku dù công dân đã chấp hành các quy định về phòng dịch.
Cùng ngày, chị H. đã chia sẻ nội dung bài viết trên lên trang cá nhân của mình.
Sau khi thông tin trên được đăng tải, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xác minh theo quy định.
Quá trình xác minh xác định thông tin này là sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và Sở Y tế tỉnh Gia Lai.
Qua làm việc, chị T. thừa nhận nội dung đã đăng là sai sự thật, được chị tổng hợp dựa trên thông tin từ khách hàng, không kiểm chứng.
Chị T. và chị H. đã ý thức được hành vi của mình là vi phạm quy định pháp luật; đồng thời gỡ bỏ bài đăng, chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã ra Quyết định xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng đối với chị T. và 5 triệu đồng đối với chị H., đồng thời yêu cầu cam kết không tái phạm.
Qua vụ việc, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cũng khuyến cáo người dân cần nhận thức rõ về hành vi lợi dụng các diễn đàn, trang mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết sai sự thật, chưa được kiểm chứng là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức mà pháp luật bảo vệ./.