Hà Nội: Giá nhiều hàng hóa thiết yếu tăng dịp Rằm tháng 7
Dịp Rằm tháng 7 năm nay đã cận kề. Nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ cho việc cúng lễ gia tăng, do đó nhiều mặt hàng đã tăng giá so với ngày thường.
Hoa hồng tăng mạnh vì ý nghĩa thiêng liêng dịp Rằm tháng 7
Dạo quanh một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội vào những ngày này nhộn nhịp người mua và bán. Các mặt hàng tiêu dùng nhiều nhất là các loại trái cây, hoa, đồ mã, thực phẩm các loại. Theo một số bà nội chợ, một số mặt hàng đã đắt hơn ngày thường vài giá. Trong đó, tăng giá chủ yếu là hoa tươi, trái cây, tôm. Các mặt hàng khác ổn định giá.
Cụ thể, hoa cúc vàng và trắng bán lẻ có giá từ 7.000 – 10.000 đồng/bông, tăng từ 2.000 – 5.000 đồng/bông so với 1 tuần trước tùy theo chợ.
Cúc vàng và trắng bông chùm của Đà Lạt có giá 30.000 – 35.000 đồng/bó, tằng từ 5.000 – 10.000 đồng/bó tùy chợ. Hoa hồng có giá từ 5.000 – 8.000 đồng/bông hồng vườn, tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/bông so với trước. Hồng nhập khẩu có giá lên đến 20.000 – 30.000 đồng/bông tùy theo loại hoa và nơi bán.
Theo phản ánh của một số tiểu thương kinh doanh hoa: Hiện nay hoa hồng vườn rất xấu do nắng nóng kéo dài, bông nhỏ nên nhà vườn hạn chế nguồn cung. Hầu hết các điểm kinh doanh hoa nhỏ lẻ ở các chợ chỉ đến cuối buổi sáng đã bán hết hoa hồng vườn. Hơn nữa, hoa hồng lại là loài hoa được dùng nhiều nhất trong dịp Rằm tháng Bảy với ý nghĩa thiêng liêng, lòng biết ơn đến đấng sinh thành, đó là: Những ai may mắn còn cha mẹ thì người con trong ngày lễ Rằm cài lên ngực áo bông hồng đỏ; những ai còn mẹ và mất cha thì cài lên ngực áo bông hồng màu hồng; những ai kém may mắn mất cha và mẹ thì cài lên ngực áo bông hồng màu trắng. Trong các nhà chùa, dịp Rằm tháng 7 cũng dùng khá nhiều hoa hồng màu vàng.
Đối với hoa cúc trồng tại các nhà vườn Hà Nội cũng do nắng nóng nên nguồn cung hạn chế, do đó giá tăng mạnh khi nhu cầu cao trong dịp rằm tháng 7.
Trái cây Việt đẹp tăng giá mạnh
Cùng giống hoa tươi, một số trái cây sản xuất trong nước, trái đẹp cũng tăng giá mạnh trong dịp Rằm tháng 7. Cụ thể, thanh long trắng có giá bán từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 – 20.000 đồng/kg so với trước. Thanh long ruột đỏ có giá từ 65.000 - 75.000 đồng/kg, cũng tăng mạnh từ 15.000 – 25.000 đồng/kg so với trước.
Na trái to, có cành đẹp có giá bán lên đến 80.000 – 100.000 đồng/kg, tùy chợ, tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Xoài Cát Chu có giá từ 35.000 – 45.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg so với trước.
Nhãn có giá bán từ 35.000 – 45.000 đồng/kg, tùy chợ; tăng nhẹ từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, dịp Rằm tháng 7 những trái cây kể trên cho màu sắc sáng, đẹp, phù hợp với việc bày lễ thờ. Tuy nguồn cung không thiếu, nhưng nhu cầu tăng, do đó giá tăng theo.
Ngoài ra, tăng giá còn có tôm. Cụ thể, tôm nớt nuôi có giá bán từ 240.000 – 300.000 đồng/kg, tăng từ 20.000 - 40.000 đồng/kg tùy theo chợ. Các loại thịt lợn, giò, chả, gà, rau xanh không có biến động giá.
Thông thường, nhiều năm trước nhu cầu mua mã cung tiến cho chân linh gia tiên gia tăng dịp Rằm tháng Bảy, nhưng 2 năm trở lại đây nhu cầu này đã giảm hẳn. Đặc biệt tại các chùa, nhu cầu mua vàng tiền dâng cửa phật đã hạn chế rất nhiều. Theo chia sẻ của một phật tự tại Chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa: Trong những năm gần đây nhà chùa và các phật tử đã tuyên truyền nhiều về việc hạn chế đốt vàng mã nên những người đến vãn cảnh chùa dâng hương chỉ còn rất ít người dâng và đốt vàng mã.
Trao đổi với một số người đi lễ chùa dịp Rằm tháng 7 cho biết: Họ đến chùa chủ yếu là đặt chút tiền công đức, niệm Phật cho chân linh gia tiên siêu độ về với gia đình. Ở nhà cũng không mua nhiều mã lớn như trước đây, cụ thể là nhà, xe cung tiến cho chân linh. Nhận thức của nhiều người thay đổi, do vậy nhu cầu mua sắm mã không tăng, giá cả cũng ổn định.