Hà Nội: Gia tăng trẻ nhập viện do nhiễm virus hợp bào hô hấp, nhiều trường hợp trở nặng

Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) hiện có khoảng 80 bệnh nhi đang điều trị thì 1/4 trong số đó là bệnh nhi nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).

Trong đó, 2 trường hợp nặng nhất là trẻ 2 tháng tuổi, đều phải thở oxy do suy hô hấp, có biến chứng viêm phổi. Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ăn kém, sốt nhẹ, khó thở.

Một phòng điều trị các bệnh nhi nhiễm virus hợp bào hô hấp tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn

Một phòng điều trị các bệnh nhi nhiễm virus hợp bào hô hấp tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn

Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, khoảng 1 tháng gần đây, số trẻ nhập viện do các bệnh lý đường hô hấp gia tăng đáng kể, đặc biệt là các trường hợp nhập viện do virus RSV. Trong đó, đa số là bệnh nhi dưới 6 tháng, có cả trẻ sơ sinh.

Trẻ thường nhập viện trong tình trạng thở khò khè, một số bị suy hô hấp, cần thở oxy hỗ trợ. Tình trạng suy hô hấp do virus RSV đa phần gặp ở trẻ nhỏ 1-2 tháng tuổi. Lý do bởi trẻ nhỏ hệ miễn dịch kém, virus RSV sẽ gây biến chứng suy hô hấp rất nhanh, gây biến chứng viêm phổi sớm.

“Việc điều trị biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phổi do virus này gây ra ở trẻ khá khó khăn bởi RSV là một loại virus nên gây suy giảm miễn dịch, trong khi hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus này.

Điều trị ở đây chủ yếu là chăm sóc hỗ trợ nâng cao thể trạng cho các bé. Bên cạnh đó, virus này rất hay gây đồng nhiễm với các loại virus khác và vi khuẩn. Do đó, trẻ còn phải sử dụng thêm kháng sinh để điều trị khi có bội nhiễm”, bác sĩ Sang thông tin.

Cũng theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, virus RSV lây lan rất mạnh qua dịch tiết của đường hô hấp, do các bé sờ vào các dịch tiết đó hoặc virus bay lơ lửng trong không khí. Để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, Bệnh viện Thanh nhàn đã có sự sắp xếp bệnh nhi cùng bệnh lý do virus RSV vào các phòng riêng điều trị, không để chung phòng với bệnh nhi mắc bệnh lý khác.

Khoảng 1/4 số trẻ điều trị tại Khoa Nhi là bệnh nhi nhiễm virus hợp bào hô hấp

Khoảng 1/4 số trẻ điều trị tại Khoa Nhi là bệnh nhi nhiễm virus hợp bào hô hấp

Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng nhấn mạnh, virus hợp bào hô hấp gây ra các triệu chứng giống nhiều loại virus khác. Các triệu chứng như viêm long đường hô hấp, ho, sốt,… giống như triệu chứng cảm lạnh thông thường.

“Để phân biệt được các triệu chứng này rất khó. Vì thế, với các bé nhỏ, nếu như thấy con có biểu hiện ho, khò khè hoặc sốt, cha mẹ nên đưa con tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời”, bác sĩ Sang nói.

Cha mẹ phòng tránh lây nhiễm cho trẻ bằng các biện pháp giảm tiếp xúc. Bề mặt môi trường chơi của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ vì virus RSV bám dính trên các bề mặt khá lâu. Cần tránh cho con tiếp xúc với các bé có biểu hiện ho khò khè, kể cả trẻ lớn. Ngoài ra, theo bác sĩ Sang, một số trường hợp trẻ suy giảm miễn dịch, có nguy cơ cao như non tháng có thể tiêm kháng thể đơn dòng.

Một số bệnh nhi phải thở oxy hỗ trợ do có tình trạng suy hô hấp

Một số bệnh nhi phải thở oxy hỗ trợ do có tình trạng suy hô hấp

Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, số ca mắc virus hợp bào hô hấp được phát hiện tại cơ sở y tế này đang có xu hướng gia tăng giai đoạn gần đây và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ, có bệnh lý nền.

Có một số yếu tố nguy cơ có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng, gồm: Đẻ non, cân nặng khi sinh thấp; Bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi; Trẻ dưới 3 tháng tuổi; Bệnh phổi mãn tính: loạn sản phế quản phổi, suy dinh dưỡng nặng,…

Để phòng tránh nhiễm virus RSV, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo phụ huynh cần chú ý giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay cho trẻ thường xuyên. Khi trẻ ra ngoài, cần cho đeo khẩu trang, giữ ấm, tránh tiếp xúc với người bị ốm.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cho bé tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch; cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài đến 2 tuổi và ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/ha-noi-gia-tang-tre-nhap-vien-do-nhiem-virus-hop-bao-ho-hap-nhieu-truong-hop-tro-nang-i321911/