Hà Nội: Gia tăng trẻ nhập viện do vi rút hợp bào hô hấp
Theo ghi nhận tại Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) vào chiều 4-4, các giường bệnh đều kín chỗ. Điều đáng nói, trong số hơn 80 bệnh nhi nhập viện viêm đường hô hấp trong những ngày gần đây thì có 16 bé được xác định nhiễm vi rút hợp bào hô hấp (RSV), trong đó 5 trẻ phải thở ô xy vì nhiễm RSV nặng.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh lý về đường hô hấp gia tăng, nhất là bệnh nhi nhập viện do RSV, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi. Đa số trẻ nhập viện với biểu hiện ban đầu trong tình trạng thở khò khè, một số bị suy hô hấp.
Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, vi rút RSV này không mới, nhưng gây suy giảm miễn dịch, thường biến chứng nặng và chuyển biến nhanh. Loại vi rút này hay đồng nhiễm hơn các loại vi rút, vi khuẩn khác. Vì vậy, khi mắc bệnh, trẻ nhỏ phải dùng kháng sinh để điều trị bội nhiễm. Hiện, không có thuốc đặc trị nên chủ yếu chăm sóc, hỗ trợ nâng cao thể trạng cho trẻ.
Thời điểm này, tại Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận không ít ca nhiễm RSV trong tình trạng nặng. Đơn cử như 2 bé sơ sinh dưới 1 tháng tuổi điều trị tại phòng sơ sinh trong tình trạng phải thở ô xy do suy hô hấp, biến chứng viêm phổi. 4 ngày trước khi nhập viện, các cháu bị ho, sốt, thở khò khè và trở nặng nên được đưa đi bệnh viện.
“Trẻ nhập viện không phải do đến viện muộn, mà do vi rút RSV gây biến chứng như: Suy hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… rất nhanh. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, nên dễ gia tăng số ca mắc. Do đó, bệnh viện đã phải sắp xếp cho các trẻ mắc RVS nằm ở các phòng riêng để tránh lây nhiễm chéo”, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang thông tin.
Trước đó, như Báo Hànôịmới đã đưa tin, vào thời điểm hiện tại, tại Bệnh viện Nhi trung ương, số lượng bệnh nhi nhiễm RSV đang có xu hướng tăng hơn 20-30% so với trước. Riêng tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình mỗi ngày tiếp nhận 150-160 bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, trong đó có khoảng 30 bệnh nhi nhiễm RSV.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, RSV là loại vi rút có thể gây bệnh quanh năm, nhưng nghiên cứu của thế giới chỉ ra, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 3 và tháng 8 hằng năm.
Thời tiết giao mùa như hiện nay có rất nhiều loại vi rút gây ra các bệnh lý về đường hô hấp, song vi rút RSV được nhiều chuyên gia ví như “kẻ thù” hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ dưới 2 tuổi, có các bệnh nền là đối tượng dễ mắc vi rút này nhất.
Theo các bác sĩ, ở nhiều trường hợp, trẻ mắc RSV có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, các bệnh nhi sinh non, có bệnh lý nền… khi mắc RSV, bệnh có thể diễn biến nhanh, để lại di chứng nặng nề như suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang khuyến cáo, nên hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, bảo đảm tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Đặc biệt, tránh để trẻ tiếp xúc với các trẻ khác có dấu hiệu ho, sốt. Ngoài ra, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ tay và thân thể cho trẻ thường xuyên, làm sạch môi trường, đồ dùng, vật dụng xung quanh. Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý cho trẻ và trẻ nên bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Các bác sĩ cũng lưu ý, triệu chứng khi nhiễm vi rút RSV cũng dễ giống với các bệnh lý về đường hô hấp khác. Do đó, với trẻ nhỏ, nếu thấy có biểu hiện ho, khò khè, sốt thì cần được đưa đến bệnh viện để khám, chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời, tránh trường hợp chủ quan, xảy ra các biến chứng nguy hiểm.