Hà Nội: 'Gỡ khó' cho doanh nghiệp ở khu, cụm công nghiệp
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện thành phố có 10 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng là 1.348 ha.
Sáng 5/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động tại các khu cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP Hà Nội.
Khó khăn về mặt bằng sản xuất
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện thành phố có 10 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng là 1.348 ha. Bên cạnh đó là 102 CCN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188 ha, kết quả hoạt động tại các khu, CCN có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 2 KCN (KCN Quang Minh 2, diện tích 160 ha và KCN Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8 ha). Đồng thời hoàn tất thủ tục thành lập mới KCN Đông Anh, với diện tích 300 ha.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 CCN được thành lập giai đoạn 2018 - 2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục, phấn đấu hoàn thành khởi công 43/43 CCN trong năm 2024.
Tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hội nghị là cơ hội để chính quyền thành phố và doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, cung cấp thông tin về những quy định, cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực đầu tư, phát triển khu, CCN.
Đồng thời đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, CCN. Đặc biệt là sẽ giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu, CCN trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Sỹ Thanh cũng nhấn mạnh, chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô. Đồng thời tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Trước mắt là tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục hành chính. Hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc...””, ông Trần Sỹ Thanh nói.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, CCN đã phát sinh các khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, doanh nghiệp gặp bất cập về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, CCN trong lĩnh vực đất đai, cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận ký quỹ, điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, khó khăn về vốn, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...
Theo ông Ulrich Petersen - Giám đốc đầu tư và marketing Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, hiện nay Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội có một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án cũng như đề án thành lập Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội.
Từ đó, ông Ulrich Petersen đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành và UBND quận Bắc Từ Liêm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị bày tỏ, đơn vị là doanh nghiệp đầu tư CCN 3 tại huyện Sóc Sơn với diện tích lên đến hơn 78 ha, hiện đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng hơn 56 ha và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cả khu, tiến tới nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, phần diện tích còn lại chưa thể giải phóng mặt bằng do vướng vào khu vực nghĩa trang.
Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị mong muốn thành phố nên gia hạn thời gian triển khai dự án, huyện Sóc Sơn xây dựng nghĩa trang tập trung để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng…
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, CCN trên địa bàn thành phố có phát sinh các khó khăn, vướng mắc.
Trong đó có cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, CCN; giải phóng mặt bằng; cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận ký quỹ; điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, khó khăn về vốn; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...
Cần giải pháp đồng bộ
Để khắc phục những vướng mắc, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu, CCN trên địa bàn thành phố thông qua nhiều hình thức. Trong đó có là thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án trên địa bàn thành phố do Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm Tổ trưởng Tổ công tác…
Đồng thời, thành phố ban hành Nghị quyết 01 (ngày 26/10/2023) nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc giữa các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư thúc đẩy nhanh tiến độ khởi công của CCN. Qua đó, khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, phòng chống cháy nổ tiêu chuẩn và định hướng phát triển văn minh, hiện đại.
Cùng với giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, UBND TP Hà Nội có nhiều kiến nghị đề xuất với các bộ ngành. Đơn cử, Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024 (ngày 15/3/2024) để thành phố triển khai thành lập/mở rộng các CCN trên địa bàn.
Đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN đã được phê duyệt…
Hà Nội cũng đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn các quy định mới liên quan đến đất KCN, CCN tại Luật Đất đai năm 2024. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể điều kiện để được cấp Giấy phép xây dựng tại các CCN trên địa bàn thành phố đảm bảo tính thống nhất.
Việc tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, CCN trên địa bàn TP Hà Nội là hướng đi đúng để Thủ đô đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước (FDI). Qua đó phát triển đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị.