Hà Nội gỡ vướng các dự án xây dựng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng

Ngày 24-12 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có phiên họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư xây dựng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố.

Một trụ sở cơ quan bỏ không, sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội năm 2008. Ảnh: TTXVN

Một trụ sở cơ quan bỏ không, sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội năm 2008. Ảnh: TTXVN

Theo đó, đối với dự án đầu tư trụ sở của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm lập quy hoạch thiết kế đô thị các tuyến phố, trình thẩm định phê duyệt theo quy định hiện hành trong tháng 12-2024. Sau khi quy hoạch được duyệt, ngân hàng SHB hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, TTXVN đưa tin.

Đối với vướng mắc tại dự án tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ để bán tại quận Hai Bà Trưng đã kéo dài nhiều năm, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tháo gỡ vướng mắc để chống lãng phí. Các cơ quan liên quan trình Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xem xét, quyết định. Trong tháng 1-2025, dự án này phải được xử lý dứt điểm.

Với dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp CN3 tại xã Mai Đình và xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), UBND thành phố thống nhất giữ nguyên hiện trạng hơn 16.600 m2 của 2 khu nghĩa trang nằm trong đất dự án (theo quy hoạch vị trí này là 2 ô cây xanh, không ảnh hưởng đến hoạt động và kinh doanh khai thác của cả cụm công nghiệp).

Bên cạnh đó, Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (chủ đầu tư) cần xây dựng kế hoạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp… Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng dự án, Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn quy trình, thủ tục theo quy định.

Tại dự án khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), Ban Chỉ đạo đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chậm nhất trong tuần này hoàn thiện nội dung trình UBND thành phố ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của thành phố. Việc này để tránh trường hợp cơ sở sản xuất đã di dời nhưng để hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng, đồng bộ được hạ tầng chung khu vực.

Các đại biểu tại phiên họp cũng xem xét việc quản lý các cơ sở nhà, đất là trụ sở các cơ quan Trung ương và địa phương trên địa bàn quận Hà Đông. Cụ thể, có 6 cơ sở nhà, đất thuộc 5 bộ, ngành Trung ương được rà soát là đang không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; 2 cơ sở nhà, đất do 2 sở, ngành, đơn vị thành phố đang không sử dụng. Sở Tài chính đã đề xuất phương án chuyển giao các cơ sở nhà, đất này về địa phương quản lý.

Theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, đối với các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của quận, quận có 7 trụ sở làm việc không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, dự kiến sẽ điều chuyển để xây dựng, mở rộng cơ sở giáo dục - đào tạo hoặc chuyển giao về UBND phường quản lý.

Trúc Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ha-noi-go-vuong-cac-du-an-xay-dung-keo-dai-cham-dua-vao-su-dung/