Hà Nội: GRDP năm 2023 tăng gấp 1,24 lần cả nước
Năm 2023, GRDP của Hà Nội tăng 6,27%, gấp 1,24 lần mức tăng cả nước (5,05%). GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng.
Chiều 19/1, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội. Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng chủ trì họp báo với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của đại diện các sở, ngành, lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã.
Tại họp báo, ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội đã thông tin về những kết quả phát triển kinh tế - xã hội TP đạt được trong năm 2023.
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội (KTXH) vẫn duy trì phát triển và cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2023; tăng trưởng GRDP gấp 1,24 lần cả nước; thu ngân sách vượt 16,4% dự toán; hoàn thành 18/23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu KTXH chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch (KH).
Du lịch phục hồi mạnh; tổng lượng khách du lịch đạt 24 triệu lượt, tăng 27%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3%; đã khởi công 10 cụm công nghiệp (đến nay đã khởi công 19/43 cụm đã có quyết định thành lập); thu ngân sách vượt dự toán, đảm bảo cân đối chi. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá bình quân tăng 2,04%, thấp hơn cả nước (3,25%), đạt mục tiêu đề ra là dưới 4,5%.
Tuy nhiên, vẫn còn 5/23 chỉ tiêu KTXH không đạt KH: GRDP tăng 6,27% (KH là 7,0%); tốc độ tăng vốn đầu tư tăng 9,3% (KH là 10,5%); kim ngạch xuất khẩu giảm 2,4% (KH là tăng 6,0%); tỷ lệ CCN có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn là 95% (KH là 100%); tỷ lệ xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2023 là 84,5% (KH là 100% do Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã tại Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023).
Các nhiệm vụ: lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chậm tiến độ so với yêu cầu.
Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại một số quận, huyện; nguồn nước chưa đảm bảo chất lượng, gây bức xúc cho người dân. Úng, ngập vẫn xảy ra thường xuyên gây ắc tắc giao thông và bức xúc cho người dân. Tỷ lệ CCN có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (95%) - không đạt KH là 100%.
Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; theo công bố của VCCI tháng 3/2023, Chỉ số PCI năm 2022 của Hà Nội giảm sâu 10 bậc, chỉ số PAPI giảm 3 bậc so với năm 2021.
Chuyển đổi số còn chậm; hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra, nhất là số hóa dữ liệu lĩnh vực quản lý đất đai.
Kỷ cương hành chính có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy; tuy nhiên chưa được như mong đợi, tỷ lệ chậm tiến độ các nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 1/2/2023 của UBND TP vẫn còn cao (28 nhiệm vụ chưa hoàn thành).
Tình hình cháy nổ trên địa bàn TP còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt thiệt hại về người tăng cao so với năm 2022.
Năm 2024, TP Hà Nội đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:
Một là, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách của Trung ương về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững. Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát giá cả, thị trường.
Hai là, thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng KHCN; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.
Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS.
Năm là, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hoàn thành cơ chế quản lý, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích; Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô. Tiếp tục xây dựng nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Chăm lo sức khỏe cho người dân. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các chính sách trợ giúp xã hội. Mở rộng diện bao phủ và nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Sáu là, thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số làm nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số…
Bảy là, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Khai thác hiệu quả quỹ đất các dự án hạ tầng kỹ thuật và hai bên tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Tám là, quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt. Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện,... Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị.
Chín là, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Thực hiện tốt Luật tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, phấn đấu năm 2024 đạt tỷ lệ trên 90%.
Mười là, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ. Tập trung đấu tranh với các loại tội phạm về tệ nạn xã hội, kiềm chế gia tăng tội phạm, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục các vi phạm, sơ hở về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm các vi phạm; phấn đấu giảm về số vụ và thiệt hại về cháy nổ.