Hà Nội: Hễ mưa là ngập, dự án thoát nước nghìn tỷ vẫn 'lụt' tiến độ
Dự án thoát nước tại Hà Nội đến nay vẫn 'lụt' tiến độ, vì vậy, chưa biết đến khi nào Thủ đô mới thoát cảnh 'mưa là ngập'.
Hệ thống thoát nước quá tải
Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, lượng mưa ghi nhận “kỷ lục” khi lên đến 202,1 mm (tại Mỹ Đức); 180,5 mm (Ứng Hòa); 105,1 mm (Hoàng Mai); 96,7 mm (Đông Anh)...
Đặc biệt, từ khoảng 7h ngày 28/9, lượng mưa đo được cao nhất tại Hoàng Mai lên đến 100 mm; Hà Đông 96 mm; Thanh Xuân 75 mm; Thanh Trì 71 mm; Nam Từ Liêm 70 mm...
Do đó, trong ngày 28/9, gần như các tuyến đường Hà Nội rơi vào tình trạng nước ngập cao người dân khó khăn trong việc di chuyển. Đặc biệt, mưa lớn gây ngập khiến nhiều phương tiện bị chết máy, hư hỏng nặng khiến người dân phải bỏ ra nhiều chi phí để sửa chữa.
Để bảo đảm công tác thoát nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đã cho mở cửa phai của các hồ điều hòa như: Thiền Quang, Bảy Mẫu, Tân Mai, Đầm Chuối… và vận hành hợp lý các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống.
Bên cạnh đó, triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý. Đơn vị cũng phối hợp Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ vận hành các trạm bơm, cửa phai trên hệ thống sông Nhuệ, sông Cầu Ngà để hạ mực nước trên lưu vực.
Trước đó, liên quan đến công tác thoát nước chung trên toàn thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tình trạng vi phạm các quy định về quản lý các hoạt động thoát nước và xử lý nước thải vẫn tiếp tục xảy ra. Trong đó, các hành vi đấu nối, phá dỡ cống trái phép, mất cắp đan ga. Công tác phối hợp giữa các đơn vị duy trì thoát nước với quận, huyện và các chủ đầu tư thực hiện dự án trong việc tiếp nhận thông tin, xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác thoát nước đô thị còn chưa kịp thời.
Một số thiết bị, nhà trạm đã đưa vào vận hành nhiều năm, tiềm ẩn sự cố đột xuất bất thường xảy ra trong quá trình vận hành. Tại các trạm bơm đầu mối, một số thiết bị đặc thù không có sẵn trên thị trường khi xảy ra sự cố phải nhập khẩu, đặt hàng nhà sản xuất với thời gian dài.
Đặc biệt, hệ thống thoát nước một số khu vực sau khi vận hành nhiều năm đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các sự cố trên hệ thống. Điều này gây ảnh hưởng đến công tác thoát nước, cần được sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí để triển khai còn hạn hẹp, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện.
Theo đó, đối với các trận mưa có lượng mưa từ 50 – 70 mm/h, Sở Xây dựng thống kê có 11 điểm úng ngập. Khi mưa lớn hơn, lên tới 100 mm/h trở lên gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dự kiến xuất hiện thêm 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.
Dự án thoát nước nghìn tỷ "lụt" tiến độ
Trước đó, tại phiên chất vấn sáng ngày 5/7 kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, đối với 60 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư và 134 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, tất cả dự án nằm trong kế hoạch 5 năm và đã rà soát điều chỉnh đưa vào đầu tư công mà HĐND thành phố đã thông qua.
Ông Quân cho hay, đối với 8 dự án thu gom, xử lý nước thải, Sở Kế hoạch Đầu tư đã làm việc và Sở Xây dựng và cam kết đến tháng 9 này sẽ trình HĐND thành phố xem xét. Nguyên nhân chậm tiến độ được ông Quân lý giải là các dự án này có tính chất phức tạp, khó và quy hoạch thoát nước có thay đổi nên ảnh hưởng đến tiến độ.
Có thể thấy rằng, nhằm giải quyết vấn đề ngập úng đô thị, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, việc đẩy nhanh triển khai các dự án thoát nước được đặc biệt quan tâm.
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết thêm, hiện tại, Hà Nội có 8 dự án thoát nước, xử lý nước thải, trong đó có 5 dự án nhóm B và 3 dự án nhóm A. Bốn trong số 5 dự án nhóm B đã được trình thẩm định, còn lại dự án trạm bơm Gia Thượng thì cần chờ quận Long Biên điều chỉnh vị trí trạm bơm, sau đó sẽ trình ngay đề xuất chủ trương.
Đối với 3 dự án nhóm A, bao gồm nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải Tây Sông Nhuệ, và dự án thoát nước và cải thiện môi trường Long Biên - Gia Lâm, đây là 3 dự án lớn, có mức đầu tư lần lượt là 2.600 tỷ đồng, 2.900 tỷ đồng và 4.700 tỷ đồng, do đó cần rà soát kỹ khi lập đề xuất chủ trương để đảm bảo báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi đồng bộ, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần. Dự kiến sẽ trình HĐND Thành phố vào kỳ họp cuối năm.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này đến nay còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu thoát nước thành phố.
Đơn cử như tại lưu vực Hữu Nhuệ, Trạm bơm Yên Nghĩa (tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng) dù đến nay đã được lắp đặt 10 tổ bơm, với tổng công suất 120 m3/s nhưng vẫn chưa thể hoạt động hết công năng do các công trình phụ trợ như kênh dẫn, kênh xả vẫn đang trong giai đoạn thi công.
Ngoài ra, thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, còn nhiều vị trí chưa được đầu tư trạm bơm như Liên Mạc, Liên Trung, Yên Thái, Đào Nguyên, Cao Viên… dẫn đến lưu vực này tồn tại nhiều điểm úng ngập.
Thực tế cho thấy, tình hình ngập úng tại các hầm chui số 3, 5, 6 đường gom Đại Lộ Thăng Long, nút giao An Khánh thường xuyên diễn ra. Mỗi khi mưa lớn 2 bên Đại Lộ tại các vị trí này gần như bị chia cắt.