Hà Nội: Hiện trạng mặt đường cầu Thăng Long xuống cấp thảm hại
Vướng mắc trong việc sửa chữa khiến tình trạng xuống cấp trầm trọng của mặt đường cầu Thăng Long (Hà Nội) bị bỏ mặc nhiều năm qua, nham nhở sống trâu, ổ gà…
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng vào cuối năm 1974, chính thức khánh thành vào giữa năm 1985, sau 11 năm thi công. Ở thời điểm hoàn thành, cầu được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô.
Cầu Thăng Long có chiều dài hơn 3 km, cao 2 tầng, bắc qua sông Hồng. Sau hơn 30 năm sử dụng, cầu đã trải qua hàng chục lần sửa chữa và hai lần đại tu với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên khoảng vài nằm gần đây, mặt đường Cầu Thăng Long xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều sống trâu, ổ gà, thậm chí có đoạn trơ cả lõi sắt khiến các phương tiện lưu thông qua đây rất khó khăn.
Nhiều vết trồi lún dài từ 3 - 5 m, trơ lõi sắt.
Đoạn giữa cầu xuất hiện vệt nứt dài, lâu ngày tạo thành những con lươn chạy dọc theo bề mặt.
Là cửa ngõ phía Bắc hướng vào nội thành nên lượng phương tiện giao thông qua lại Cầu Thăng Long khá lớn.
Mặt cầu Thăng Long hư hỏng nghiêm trọng, vô tình tạo thành những “cái bẫy” khá nguy hiểm.
Một số đoạn phải dùng các tấm thép lớn để khắc phục tạm, đơn vị thi công sử dụng lốp cao su để giảm tiếng ồn.
Vào ngày 12/8 vừa qua, sau khi thị sát cầu Thăng Long, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng việc sửa chữa mặt cầu là yêu cầu cấp thiết. Ông giao các đơn vị liên quan hoàn thành các thủ tục trong năm 2019, đầu năm 2020 tiến hành thi công sửa chữa.
"Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị khảo sát thật kỹ, đề ra giải pháp hợp lý nhất để sửa căn bản toàn bộ mặt cầu Thăng Long. Hiện nay đang có nhiều tư vấn đề xuất về các phương án sửa chữa, bộ sẽ lựa chọn phương án tốt nhất, có thể kéo dài 5-10 năm", ông Thể nói.