Hà Nội hỗ trợ 30.000 đồng/con gia cầm bị tiêu hủy
Theo Quyết định 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất Nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên đại bàn TP Hà Nội, mỗi con gia cầm bị tiêu hủy do mắc dịch bệnh sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng.
Đối với gia cầm bị chết do thiên tai được hỗ trợ với mức giá là 10.000 đồng/con loại nhỏ hơn 0,2 kg/con; loại từ 0,2 kg/con đến dưới 0,5 kg/con, hỗ trợ 20.000 đồng/con. Gia cầm trên 28 ngày tuổi: Loại từ 0,5 kg đến dưới 1 kg/con, hỗ trợ 26.000 đồng/con; loại từ 1 kg/con đến dưới 1,5 kg/con, hỗ trợ 31.000 đồng/con; loại từ 1,5 kg/con trở lên, hỗ trợ 35.000 đồng/con.
Nguồn kinh phí do UBND các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách cấp mình. Trường hợp mức độ thiệt hại lớn, sử dụng vượt quá 50% nguồn dự phòng, UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét bổ sung từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai của TP, dự phòng ngân sách cấp TP và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, từ ngày 3/2 đến ngày 9/2/2019, Hà Nội phát hiện 4 ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại 04 hộ gia đình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Nguyên nhân bùng phát dịch có thể do đây là khu vực đã từng xảy ra ổ dịch cúm A/H5N6 cuối năm 2018.
Tại khu vực này lại có nhiều ao hồ, kênh, mương thông nhau, người dân đi lại tiếp xúc nhiều nơi cũng là nguyên nhân mang mầm bệnh về. Trong khi đó, một số hộ chủ quan không chủ động tiêm phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, khiến dịch bùng phát.
Để kiểm soát dịch bệnh, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào ổ dịch. Thực hiện rà soát, thống kê, ký cam kết, kịp thời phát hiện, khoanh vùng khống chế, không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời tiến hành tiêu hủy 6.807 con gia cầm và tổng vệ sinh, khoanh vùng ổ dịch. Đến thời điểm hiện tại chưa phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm nào trên đại bàn.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, với thời tiết mưa phùn, lạnh, ẩm ướt như hiện nay làm sức đề kháng vật nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát sinh. Đặc biệt, trên địa bàn TP, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, nhận thực của người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động chống dịch gia cầm còn thấp.
Trong khi đó, lượng hàng hóa lưu thông sau Tết rất lớn. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay đã bãi bỏ công tác kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh dẫn đến khó kiểm soát việc vận chuyển gia cầm.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-ho-tro-30000-dongcon-gia-cam-bi-tieu-huy-365214.html