Hà Nội hoàn thành sắp xếp xã, phường trước 1/5

Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 1/5/2025 với số lượng cấp xã giảm 50% so với hiện nay.

Chiều 3/4, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP tổ chức Hội nghị giao ban quý I với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà chủ trì hội nghị.

Hình thành 5 vùng động lực, 5 trục phát triển

Hội nghị nghe báo cáo và thảo luận về 3 chủ đề chính, gồm: công tác quản lý đất đai tại các quận, huyện, thị xã trong quá trình từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính. Triển khai thực hiện kết luận số 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; kết luận 128 của Bộ Chính trị về chủ trương công tác cán bộ. Việc triển khai số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP. Hà Nội.

Dự thảo Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố nêu rõ, Hà Nội sẽ chọn 5 vùng động lực, 5 trục phát triển và tổ chức lại các đơn vị hành chính cơ sở trên cơ sở các nguyên tắc chung.

Tuy nhiên, thành phố có tính đến yếu tố quy hoạch trong tương lai khi thực hiện quy hoạch, cần cụ thể hóa quy hoạch ngay giai đoạn hiện nay (vừa tính hiện tại, tương lai), tính đến xu thế theo quy hoạch định hướng phát triển: Hai đô thị trực thuộc Thủ đô (đô thị phía Bắc và đô thị phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương...

Đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô. Lựa chọn 1 đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác tránh sự trùng lặp, ví dụ: Hoàn Kiếm (đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm); Đống Đa (một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Về dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã, Dự thảo Phương án chỉ nêu: “Theo dự kiến của Trung ương, tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng 50% so với tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp”. Hà Nội hiện có 526 phường, xã, thị trấn và dự kiến hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước 1/5/2025.

Không gián đoạn công việc vì sắp xếp đơn vị hành chính

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Quý I/2025 diễn ra trong bối cảnh thành phố đang phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ lớn, hệ trọng và chưa có tiền lệ, nhất là việc sắp xếp bộ máy, các đơn vị hành chính, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

Phó Bí thư thường trực thành ủy Nguyễn Văn Phong kết luận Hội nghị.

Phó Bí thư thường trực thành ủy Nguyễn Văn Phong kết luận Hội nghị.

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, quý I, thành phố đạt mức tăng trưởng 7,35% và cao hơn so với cùng kỳ năm 2024; thu ngân sách đạt cao; các nhiệm vụ khác thực hiện đồng bộ từ thành phố đến cơ sở. Thành phố cũng đã sắp xếp lại các tổ chức thuộc thành phố, nhất các sở ngành.

"Một cuộc sắp xếp rất lớn liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nhưng công việc của thành phố vẫn diễn ra theo chiều hướng ngày một tốt hơn. Điều này được thể hiện qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thành phố đạt mục tiêu giữ ổn định và không làm gián đoạn hoạt động của người dân, doanh nghiệp, tổ chức", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho biết, thời gian qua, thành phố cũng triển khai nhiều việc mang tính riêng có của Hà Nội nhưng bước đầu cho thấy rất hiệu quả như hình thành Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố.

Có được những kết quả trên có sự nỗ lực cố gắng rất lớn của các cơ quan, địa phương, đơn vị của thành phố Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, kết luận số 127 và 128 liên quan đến sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính mới sẽ tác động tới toàn bộ TP. Hà Nội, địa phương có số lượng xã, phường, thị trấn đông nhất cả nước.

Tuy nhiên, bước đầu thành phố đã rất nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Đối với vấn đề sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị cần xác định đây là việc rất quan trọng. Hà Nội cần nghiêm túc, gương mẫu và trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết lớn này của Đảng.

Xác định đây là việc khó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu cần có sự đồng thuận và thống nhất về mặt tư tưởng trong sắp xếp. Để làm được thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trước kết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức của toàn TP. Trung ương đã có chỉ đạo trước mắt giữ nguyên biên chế và sẽ giảm dần trong 5 năm.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Ngoài ra, đối với Hà Nội, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng đề án liên quan việc sắp xếp, chế độ chính sách tổng thể để đáp ứng, đảm bảo “không có ai không được quan tâm”, nhất đối với những đối tượng bị ảnh hưởng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, khi có chỉ đạo cụ thể và căn cứ chính thức của Trung ương, thành phố sẽ tập trung xây dựng đề án với mục tiêu đảm bảo xây dựng phương án vừa đúng với chỉ đạo của Trung ương nhưng vẫn giữ được, làm rõ hơn đặc trưng của Hà Nội về vấn đề lịch sử, văn hóa, động lực phát triển và có tính đến trước mắt cũng như quy hoạch lâu dài cho sự phát triển của thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, các đơn vị thống kê và có đánh giá đội ngũ cán bộ từ huyện cho đến xã và quận đến phường để có được cơ sở dữ liệu tổng thể về đội ngũ cán bộ của thành phố. Bởi đây là tiền đề quan trọng để bố trí, phân công, sắp xếp và đảm bảo được đúng tinh thần chỉ đạo là Đảng lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ; cán bộ cấp nào cấp đó quản lý và quyết định.

Quận, huyện có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu, đề xuất sau khi có phương án cụ thể về việc sắp xếp với tinh thần tuyệt đối đảm bảo công tâm, khách quan, không có tiêu cực trong sắp xếp các đơn vị hành chính và bố trí, sắp xếp cán bộ.

Đối với vấn đề số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP. Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu cần phải thống nhất, bởi đây là công việc phải làm và xác định đây là việc đầu tư lâu dài, căn cơ. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố và tránh làm thất thoát, lộ, lọt tài liệu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị người đứng đầu các quận, huyện và các đơn vị trên toàn thành phố quan tâm, dành thời gian, công sức để chỉ đạo, lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ này.

Phúc Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-hoan-thanh-sap-xep-xa-phuong-truoc-1-5-319542.htm