Hà Nội: Hơn 116.000 học sinh lớp 12 tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp
Sáng 5-4, hơn 116.000 học sinh lớp 12 đã làm bài kiểm tra môn ngữ văn trong kỳ khảo sát chất lượng trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, sáng 5-4, hơn 116.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn Hà Nội đã làm bài kiểm tra môn ngữ văn.
Đây là cuộc tổng diễn tập quy mô cấp thành phố do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức nhằm giúp học sinh tập dượt trước kỳ thi chính thức. Xác định ý nghĩa quan trọng của kỳ khảo sát, các nhà trường, học sinh và phụ huynh đều có tâm thế nghiêm túc.
Thầy, trò cùng tập dượt
Theo ghi nhận của phóng viên tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm), dù 7h30 mới đến giờ vào phòng thi, song từ 6h30, nhiều học sinh đã có mặt tại sân trường tranh thủ xem lại bài.
Em Nguyễn Phương Anh cho biết khá lo lắng bởi đây là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cuối cùng theo chương trình hiện hành, sang năm 2025 kỳ thi tốt nghiệp sẽ thi theo chương trình mới với nhiều thay đổi về hình thức, cấu trúc, nội dung đề thi.
“Dù có thông tin nếu chẳng may trượt tốt nghiệp năm nay thì vẫn được bố trí để thi theo đề của chương trình hiện hành, nhưng chúng em vẫn xác định cần phải quyết tâm cao và không được chủ quan. Dù điểm kiểm tra không sử dụng để đánh giá, xếp loại nhưng chúng em xác định phải nghiêm túc ở mọi khâu với tinh thần thi thử như thật”, Phương Anh nói.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn thành phố có 273 điểm trường tổ chức khảo sát. Tổng hợp số liệu của các nhà trường tính đến sáng 5-4, toàn thành phố có hơn 116.000 học sinh đăng ký tham dự khảo sát, bao gồm cả học sinh trường công lập, tư thục và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Các nhà trường đã bố trí 4.850 phòng thi với gần 12.200 giáo viên làm nhiệm vụ coi, giám sát. Kỳ khảo sát diễn ra trong hai ngày 5 và 6-4. Mỗi học sinh làm 4 bài kiểm tra gồm: Ngữ văn, ngoại ngữ, toán, khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Sáng 5-4, trước giờ làm bài môn ngữ văn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã trực tiếp có mặt tại Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) kiểm tra công tác tổ chức và nhắc nhở cán bộ, giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm để bảo đảm kỳ khảo sát diễn ra an toàn, nghiêm túc, thực chất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tây Hồ, cụm trưởng cụm các trường THPT Ba Đình - Tây Hồ cho biết, cụm có 13 trường công lập, tư thục. Tại Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng có 32 phòng thi với 749 thí sinh, là học sinh của hai Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng và Hoàng Long. Công tác in sao, vận chuyển, bảo quản đề, bài kiểm tra được thực hiện theo quy chế thi tốt nghiệp.
"Các nhà trường đều xác định đây là cuộc tập dượt không chỉ với học sinh mà còn với cả với từng cán bộ, giáo viên để có thêm kinh nghiệm khi tham gia làm nhiệm vụ ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ diễn ra vào cuối tháng 6 tới", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới tại các nhà trường, dù kết quả khảo sát không sử dụng làm điểm kiểm tra, đánh giá học sinh, song các học sinh đều nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng đợt khảo sát này nên tuân thủ nghiêm túc quy chế.
Định hướng rõ hơn trong ôn tập
Hoàn thành bài khảo sát môn ngữ văn vào 9h35, em Nguyễn Minh Phương, Trường Trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết, đề kiểm tra nằm trong chương trình đã học với hình thức tự luận quen thuộc. Dù đã nhiều lần tham gia khảo sát tại trường, nhưng lần khảo sát này có quy mô toàn thành phố và có điểm khác là làm theo đề chung.
"Em đã cố gắng làm bài để biết được mình đạt yêu cầu ở mức độ nào theo đề chung, từ đó có định hướng rõ hơn trong ôn tập, sắp xếp thời gian khoa học từ nay đến khi kỳ thi chính thức diễn ra", Nguyễn Minh Phương chia sẻ.
Việc tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức nhiều năm qua và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của học sinh, cha mẹ học sinh và cho rằng rất cần thiết, giúp học sinh rõ hơn về năng lực của bản thân, định hướng rõ hơn trong việc ôn tập và giúp học sinh tự tin khi tham dự kỳ thi chính thức.
Bà Trần Thanh Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) chia sẻ: "Tôi rất lo nếu chẳng may con không đỗ tốt nghiệp thì năm sau sẽ phải thi cùng với học sinh học theo chương trình mới với nhiều quy định mới. Vì thế cả nhà luôn nhắc nhở con phải thật nghiêm túc làm bài khảo sát để biết được mình còn hổng kiến thức phần nào, còn yếu nội dung gì để kịp thời bổ trợ trong 2 tháng trước kỳ thi chính thức. Qua đây, các gia đình cũng sẽ nắm bắt rõ hơn về năng lực của con, từ đó kịp thời có phương pháp đồng hành, giúp con ôn tập hiệu quả ở kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng của chương trình hiện hành".
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), sau khi có kết quả khảo sát, nhà trường sẽ phân tích điểm số của từng học sinh để kịp thời có những điều chỉnh trong tổ chức ôn tập. Cũng thông qua kết quả khảo sát, giáo viên bộ môn sẽ có biện pháp hỗ trợ học sinh phù hợp. Mỗi học sinh cũng tự rút ra kinh nghiệm trong việc làm bài, xác định được những phần kiến thức còn yếu cần bù lấp, những kỹ thuật làm bài còn chưa nắm vững.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Bỉnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì) cho biết, giáo viên chủ nhiệm các lớp tiếp tục theo dõi, nhắc nhở học sinh làm bài nghiêm túc ở các môn còn lại. Từ kết quả của cuộc tập dượt này, nhà trường sẽ nắm rõ hơn tình hình chung của toàn khối 12. Các giáo viên cũng sẽ phân loại được học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, kèm cặp sát hơn và đặc biệt là từng học sinh cũng tự ý thức việc cần điều chỉnh để đáp ứng tốt với kỳ thi thật.
Theo kế hoạch, chiều nay, học sinh làm bài khảo sát môn toán, thời gian làm bài 90 phút.
Ngày mai 6-4, học sinh làm bài môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội (sáng) và ngoại ngữ (chiều). Khâu chấm bài được giao cho các cụm trường thực hiện để rọc phách, chấm chung.