Hà Nội: Hơn 2.000 cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy

Hơn 2.000 cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy thì chỉ có 212 cơ sở khắc phục được vi phạm trong 5 năm qua vừa được UBND TP. Hà Nội công bố.

Theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trong hơn 5 năm (từ năm 2016-5/2022), trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra hơn 3.000 vụ cháy nổ. Trong đó có hàng chục vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy làm 86 người chết, gây thiệt hại khoảng 960 tỷ đồng.

Cụ thể, số cơ sở hoàn thành việc khắc phục tồn tại các vi phạm phòng cháy chữa cháy đạt tỷ lệ rất thấp, trong 2.483 cơ sở chỉ có 212 cơ sở khắc phục được vi phạm phòng cháy chữa cháy, chiếm tỷ lệ 8,5%.

Nguyên nhân các vụ cháy phần lớn là do chập điện, sơ xuất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, hàn cắt kim loại. Đặc biệt, các vụ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình chiếm tỷ lệ thấp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn có 2.483 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật phòng cháy chữa cháy có hiệu lực. Theo đó, có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ; 363 trường học, cơ sở giáo dục; 180 văn phòng, trụ sở làm việc…

Hơn 2.000 cơ sở đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong 5 năm qua

Hơn 2.000 cơ sở đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong 5 năm qua

Những khó khăn trong việc khắc phục vi phạm của các chung cư, trường học, văn phòng, trụ sở làm việc là do gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn ngân sách. Hơn nữa, các công trình này có kết cấu, kiến trúc đặc thù khó cải tạo để đáp ứng quy định phòng cháy chữa cháy hiện nay.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên, hiện Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu, Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2022. Nghị quyết nêu rõ giải pháp khắc phục đối với chung cư cũ, trụ sở làm việc, trường học và đặc biệt là các nhà kho chứa chất nguy hiểm ở khu dân cư.

Với chung cư, tập thể thuộc sở hữu nhà nước, việc khắc phục những tồn tại phòng cháy chữa cháy thuộc trách nhiệm của nhà nước. Với chung cư, tập thể đã bán hết cho người dân hoặc không xác định rõ chủ sở hữu thì lập ban quản trị. Còn kho chứa chất nguy hiểm ở khu dân cư thì phải có kế hoạch, phương án di dời.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-hon-2000-co-so-vi-pham-phong-chay-chua-chay-216713.html