Hà Nội hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ
Sở Y tế Hà Nội giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm tiếp tục tập huấn, tập huấn lại, hỗ trợ và chỉ đạo tuyến cho các đơn vị thực hiện hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người của Bộ Y tế.
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản số 3413/SYT-NVY gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập về việc thực hiện “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người”.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 29/7, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2099/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập nghiên cứu và thực hiện các nội dung của Quyết định số 2099/QĐ-BYT.
Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm tiếp tục tập huấn, tập huấn lại, hỗ trợ và chỉ đạo tuyến cho các đơn vị thực hiện hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người của Bộ Y tế.
Liên quan đến nội dung này, tháng 5/2022, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tại Cảng hàng không để phát hiện những trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đồng thời, triển khai các biện pháp quản lý, xét nghiệm, phòng, chống dịch. Cùng với đó, triển khai tập huấn, hướng dẫn chuyên môn phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị trong ngành.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập phối hợp với CDC Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tránh để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.
Ngoài ra, các cơ sở y tế cần tăng cường công tác khám, phát hiện trường hợp mắc, nghi mắc bệnh... Khi phát hiện ca mắc, phải liên hệ ngay với trung tâm y tế và CDC Hà Nội để phối hợp điều tra dịch tễ, thu thập bệnh phẩm và triển khai biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị trong ngành liên tục theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tại Việt Nam và các hướng dẫn, biện pháp phòng, chống của Bộ Y tế, tổ chức quốc tế có uy tín, từ đó, chủ động có kế hoạch ứng phó, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phòng ngừa, điều trị… Đồng thời, phối hợp với các cơ quan tuyến trên và các đơn vị liên quan triển khai tập huấn, hướng dẫn chuyên môn phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội và tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân.
Với đậu mùa khỉ, ca bệnh nhẹ có thể điều trị tại y tế cơ sở (tuyến xã, huyện). Khi ca bệnh diễn biến nặng hoặc có nguy cơ trở nặng sẽ được chuyển tuyến tỉnh, trung ương.
Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị như: Giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp; chảy máu, giảm số lượng nước tiểu; các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.
Sau khi được cách ly tối thiểu 14 ngày, đồng thời, hết các triệu chứng lâm sàng như không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và tổn thương cũ đã đóng vẩy, bệnh nhân sẽ được xuất viện.