Hà Nội hướng dẫn hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Ngày 12-5, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1955/QĐ-UBND về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 cho các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội ở quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).

Chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 cho các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội ở quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).

NDĐT - Ngày 12-5, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1955/QĐ-UBND về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Quyết định đề ra những trình tự, thủ tục cụ thể đối với các nhóm đối tượng là người lao động được nhận hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, doanh nghiệp phải lập, hoàn thiện hồ sơ và lấy xác nhận của công đoàn cơ sở, cơ quan bảo hiểm xã hội. Sau đó, UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở sẽ thẩm định và phê duyệt.

Nhiều cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vì phải đóng cửa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (Ảnh: Duy Linh).

Nhiều cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vì phải đóng cửa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (Ảnh: Duy Linh).

Đối với hộ kinh doanh, hộ kinh doanh lập hồ sơ đề nghị gửi UBND cấp xã, kèm thông báo nộp thuế. UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã. Sau đó, các cơ quan chức năng của UBND cấp huyện sẽ thẩm định và Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt. Với cả hai đối tượng trên, thời gian gửi hồ sơ chậm nhất là ngày 15-7.

Đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động gửi hồ sơ đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp. UBND cấp xã sẽ thành lập hội đồng xét duyệt. Hội đồng này gồm đại diện UBND cấp xã, các thành viên khác gồm: công chức lao động, thương binh và xã hội; đại diện MTTQ, Công an, tổ dân phố… Hội đồng này sẽ rà soát và xác nhận. Thời gian gửi hồ sơ chậm nhất là ngày 30-7. Sau đó, danh sách người lao động đủ điều kiện sẽ được chuyển lên UBND cấp huyện. UBND cấp huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban liên quan và phê duyệt. Đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm cũng thực hiện thủ tục, trình tự tương tự như trên. Tuy nhiên, thời gian gửi hồ sơ chậm nhất là ngày 15-7.

Đối với người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, người sử dụng lao động lập hồ sơ, có xác nhận của công đoàn cơ sở. Sau đó, gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh để cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Thời hạn gửi hồ sơ xét duyệt chậm nhất là ngày 5-7.

UBND TP Hà Nội giao thời hạn cụ thể để UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết hồ sơ và thực hiện chi trả. Đối với kinh phí ngân sách hỗ trợ tiếp, các quận, huyện thị xã chủ động tạm sử dụng ngân sách của quận, huyện, thị xã để kịp thời chi trả cho đối tượng thụ hưởng. Kinh phí hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động được huy động từ nguồn tài chính của Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Thủ đô. Người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc với người lao động.

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Lao động, Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội thành phố, Cục Thuế, Ngân hành Nhà nước chi nhánh Hà Nội… thực hiện việc chi trả bảo đảm theo quy định pháp luật, đúng đối tượng.

* [Infographic] 20 triệu người khó khăn trong dịch Covid-19 được hỗ trợ

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44445302-ha-noi-huong-dan-ho-tro-nguoi-dan-gap-kho-khan-do-dich-covid-19.html