Hà Nội hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo
Bằng nhiều giải pháp cụ thể, thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giai đoạn 2015-2020. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố hướng đến mục tiêu không còn hộ nghèo và tái nghèo đến năm 2025.
Bằng nhiều giải pháp cụ thể, thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giai đoạn 2015-2020. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố hướng đến mục tiêu không còn hộ nghèo và tái nghèo đến năm 2025.
Thực hiện chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, đầu năm 2016, thành phố có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ dân. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội thấp (xếp thứ 4, sau ba tỉnh, thành phố không còn hộ nghèo là: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai), tuy nhiên số hộ nghèo của Hà Nội cao thứ 36 trong số 63 tỉnh, thành phố (cao hơn các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh....).
Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo của thành phố. Đặc biệt, Hà Nội có 14 xã miền núi, vùng thiểu số, trong đó có hai xã thuộc diện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (xã An Phú của huyện Mỹ Đức và xã Ba Vì của huyện Ba Vì).
Để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trong đó, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân Thủ đô, nổi bật là áp dụng chuẩn nghèo của thành phố cao hơn 1,6 lần chuẩn nghèo T.Ư, do đó có thêm nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chính sách hỗ trợ; áp dụng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn 1,3 lần mức chuẩn T.Ư, với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, thực hiện chính sách trợ cấp hằng tháng cho người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động, thanh niên xung phong không có khả năng lao động, sống cô đơn, với mức trợ cấp 350 nghìn đồng/người/tháng; hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.
Bên cạnh đó, hằng năm, thành phố trích ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ tăng thu nhập; hộ nghèo vay xây dựng, sửa chữa nhà ở; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để trang trải chi phí học tập…
Các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch. Đáng chú ý là chính sách hỗ trợ 100% hộ nghèo tiếp cận truyền hình số mặt đất được thực hiện trong năm 2016.
Năm 2017, thành phố tập trung hỗ trợ 100% gia đình người có công với cách mạng thoát nghèo; cơ bản hoàn thành công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công; thành phố không còn xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Năm 2018, hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở hư hỏng cho hộ nghèo. Từ 2016 đến nay, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh đào tạo cho 800.296 lượt người, trong đó đào tạo nghề ngắn hạn cho 74.727 lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 88,45%.
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm từ 3,64% đầu năm 2016 xuống còn 0,42% đầu năm 2020, hoàn thành trước hai năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố không còn hộ nghèo diện chính sách người có công; từ năm 2017 không còn xã, thôn thuộc diện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đến nay thành phố có chín quận và ba huyện không còn hộ nghèo.
Dù công tác giảm nghèo tạo dấu ấn rõ nét, song tỷ lệ giảm nghèo ở Hà Nội nhanh, nhưng chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị chậm cải thiện…
Để nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 đề ra mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn dưới 3%...
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh: “Nhiệm vụ tiếp tục phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô sẽ được thực thi theo hướng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp nhu cầu của từng nhóm đối tượng, đặc thù của từng địa phương.
Qua đó, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các chính sách an sinh, các dịch vụ trợ giúp xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng tiêu chí về chuẩn nghèo mới để tham mưu UBND thành phố xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2021-2025, làm căn cứ cho các địa phương triển khai thực hiện”.