Hà Nội hướng tới xuất khẩu nhãn chín muộn Đại Thành

Nhãn chín muộn Đại Thành là loại cây đặc sản của Thủ đô, đã được đánh giá, phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội nổi tiếng với giống nhãn chín muộn. Đây cũng chính là loại quả có giá trị kinh tế lớn nhất trong số các sản phẩm nông nghiệp của huyện Quốc Oai.

Nhãn chín muộn Đại Thành có đặc điểm quả to, mầu vàng sáng, cùi dày, độ ngọt vừa phải, vị thơm dịu. Đặc biệt, thời gian thu hoạch nhãn muộn hơn các giống nhãn khác từ 30 đến 40 ngày và độ “xuống nước” chậm, cho nên quả chín có thể tự bảo quản trên cây khoảng một tháng mà chất lượng vẫn bảo đảm. Nhờ những đặc điểm nổi trội này, nhãn chín muộn dễ tiêu thụ và có giá trị kinh tế cao.

Từ năm 2012, nhãn chín muộn đã được TP Hà Nội lựa chọn trở thành loại cây đặc sản của Thủ đô. Đến năm 2021, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận hai loại nhãn chín muộn Đại Thành HTM1 và nhãn chín muộn Đại Thành HTM2 sản phẩm OCOP 4 sao.

 Nông dân xã Đại Thành thu hoạch nhãn chín muộn. Ảnh: TL

Nông dân xã Đại Thành thu hoạch nhãn chín muộn. Ảnh: TL

Phát huy thế mạnh của cây trồng chủ lực, huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các hộ dân tăng cường đưa ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển vùng nhãn chín muộn quy mô lớn để hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.

Hiện nay, xã Đại Thành được quy hoạch vùng chuyển đổi trồng cây ăn quả với diện tích hơn 160ha, chủ yếu là nhãn chín muộn. Đến năm 2024, toàn xã đã phát triển được hơn 100ha nhãn chín muộn cho thu hoạch với số hộ trồng nhãn lên đến hơn 600 hộ.

Gia đình ông Lý Đình Quang cho biết, gia đình ông trồng 8 sào nhãn, cho thu hoạch ổn định gần 20 năm nay. Những năm được mùa, gia đình thu được 5 đến 7 tấn quả, với giá bán buôn 45.000 đồng/kg, tính ra cho thu nhập đạt 240-280 triệu đồng/năm, lợi nhuận gấp 4 lần cấy lúa và trồng cây rau màu khác.

"Nói về chất lượng, quả nhãn ở đây ngon không kém gì nhãn lồng Hưng Yên, nhưng vụ thu hoạch lại gối vụ nhãn Hưng Yên. Thêm nữa, thời gian quả chín lưu được trên cây lâu hơn, mà chất lượng không hề bị giảm nên người nông dân có thể chủ động trong thu hái. Cũng vì thế mà nhãn Ðại Thành luôn giữ được giá bán, không bị ép giá trong mùa vụ thu hoạch", chị ông Quang nói.

Hiện nay, từ cây nhãn tổ có tuổi đời trên 100 năm ở Đại Thành người dân đã gây giống, nhân rộng ra cả vùng. Không chỉ có tiếng ở Thủ đô do giá trị kinh tế vượt trội tăng lên hàng năm, hàng năm, người dân Đại Thành còn cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép của giống nhãn chín muộn cho các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do thời tiết không mấy thuận lợi và quá trình đô thị hóa, nhiều hộ ở Đại Thành đã phá bỏ cây nhãn, chia đất, tách thửa xây nhà bán, dẫn đến diện tích trồng nhãn có xu hướng sụt giảm.

Ông Đinh Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết, để phát triển và bảo tồn giống nhãn quý của địa phương, xã đã chỉ đạo người dân nhân rộng mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, từ đó nghiên cứu biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

HTX nông nghiệp Đại Thành cũng phối hợp với các phòng ban của huyện tăng cường xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hàng năm đều về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Để bảo vệ diện tích trồng nhãn chín muộn 160ha theo đề án đã được phê duyệt, xã Đại Thành đề xuất UBND huyện Quốc Oai quy hoạch vùng chuyên canh nhãn quy mô lớn và hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng, gồm: mương thoát nước, điện chiếu sáng, giao thông…

Đồng thời, mở các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăm sóc cho các hộ dân để nhãn ra hoa, đậu nhiều quả và các biện pháp ứng phó với diễn biến tiêu cực của thời tiết ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của nhãn…

Vài năm trước, nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai". Sản phẩm nhãn Đại Thành cũng đã được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Để hướng đến xuất khẩu nhãn chín muộn ra thế giới với số lượng lớn và ổn định, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng nhãn chuyên canh quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ đầu tư hệ thống bảo quản, kết nối doanh nghiệp…

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng tiếp tục tuyên truyền để các xã viên và HTX nông nghiệp Đại Thành quan tâm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm của Chương trình OCOP, nhằm đem lại giá trị cao hơn nữa cho loại cây trồng quý này.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-huong-toi-xuat-khau-nhan-chin-muon-dai-thanh-post320702.html