Hà Nội huy động 89.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tổng kinh phí đã huy động để triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy từ năm 2016 đến nay là khoảng 56.513 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đạt gần 4.813 tỷ đồng.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội dự kiến huy động tổng vốn đầu tư là 89.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai hiệu quả các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng lên đến hết năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 60 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 55 triệu đồng/người/năm...
Đa số các hộ dân khu vực nông thôn đến nay đều đã có nhà ở kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe có nhiều tiến bộ; 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm.
Đến nay, tất cả các xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có kết nối internet. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn liên tục giảm qua các năm. Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ giảm xuống còn 0,5% theo chuẩn mới. Đến nay, thành phố đã có 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức không còn hộ nghèo.
Ngoài ra, Hà Nội còn hướng tới xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) và xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng).
Theo đó, các xã phải đạt 4 tiêu chí theo Quyết định số 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020; đạt đủ 7 tiêu chí theo Quyết định số 3745/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực môi trường, an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020.
Việc đáp ứng các yêu cầu trên nhằm hướng tới phát triển nông thôn Thủ đô bền vững. Đồng thời, ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Kinh tế - xã hội phát triển, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, môi trường sinh thái trong lành. Bản sắc văn hóa đặc trưng của từng làng quê được giữ gìn và phát huy...
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, mặc dù, đạt được những kết quả đáng kích lệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Cùng đó, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế... Một số huyện hiện vẫn có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao như: Ba Vì (1,43%), Mỹ Đức (1,55%), Thanh Oai (1,3%)...
Để đạt được các mục tiêu về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người nông dân trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề; tích cực, chủ động trong chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ chú trọng mở rộng sản xuất trong các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn cũng như thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.