Hà Nội hủy kết quả đấu giá quyền khai thác 03 mỏ cát, vì sao doanh nghiệp vẫn mong muốn được công nhận?

Quyết định hủy kết quả đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu, TP. Hà Nội cho rằng, việc 3 mỏ cát trúng đấu giá số tiền 1.700 tỉ đồng là cao bất thường, thậm chí tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội…

Chưa công nhận kết quả trúng đấu giá 3 mỏ cát

Ngày 4/5/2024, UBND TP Hà Nội có văn bản số 1328/UBND-TNMT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) báo cáo kết quả rà soát việc 3 đơn vị trúng đấu giá 3 mỏ cát (Tây Đằng - Minh Châu, Châu Sơn, Liên Mạc) với tổng số tiền 1.700 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần giá khởi điểm hồi tháng 11/2023.

 Khách hàng đấu giá một trong 3 mỏ cát tại TP Hà Nội.

Khách hàng đấu giá một trong 3 mỏ cát tại TP Hà Nội.

Theo đó, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, làm hồ sơ và tổ chức đấu giá cấp quyền khai thác 3 mỏ cát nêu trên, UBND TP Hà Nội đã rà soát, kiểm tra và có văn bản yêu cầu chưa công nhận kết quả trúng đấu giá trên, cũng như đề nghị đơn vị chức năng liên quan tham mưu xử lý tiền đặt cọc của các đơn vị theo quy định.

Qua rà soát, UBND TP Hà Nội cho biết, theo công bố giá vật liệu xây dựng của Sở Xây dựng, giá cát đến chân công trình được xác định theo công thức: giá cát tại nguồn cung cấp + chi phí vận chuyển đến công trình + chi phí bốc xếp + chi phí vận chuyển nội bộ trong công trình + chi phí hao hụt bảo quản tại hiện trường. Như vậy, giá cát chưa khai thác trong trường hợp này với 3 mỏ Tây Đằng - Minh Châu, Châu Sơn, Liên Mạc lần lượt là 180.500 đồng/m3, 564.500 đồng/m3, 800.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá cát san lấp đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội do Sở Xây dựng công bố dao động từ 176.000 - 202.000 đồng/m3.

Theo cách hiểu thông thường, 1m3 cát chưa khai thác (theo giá trúng đấu giá) đã cao hơn, thậm chí cao gấp nhiều lần so với giá cát đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội. "Việc này dẫn đến các dự án khai thác cát tại 3 mỏ cát này không thể có lợi nhuận khi các đơn vị thực hiện khai thác với trữ lượng cát sẽ được cấp phép. Khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư sẽ vừa không đạt tiêu chí về lợi nhuận kinh tế, vừa có thể tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội", Văn bản của UBND TP Hà Nội nêu.

 Việc đưa các mỏ cát ra đấu giá sẽ xóa bỏ cơ chế xin - cho, nạn khai thác cát trái phép. Ảnh minh họa

Việc đưa các mỏ cát ra đấu giá sẽ xóa bỏ cơ chế xin - cho, nạn khai thác cát trái phép. Ảnh minh họa

Đồng thời, theo quy định của Luật Khoáng sản, sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư, đơn vị lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt cấp giấy phép khai thác khoáng sản sẽ có bất cập khi không đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của 3 đơn vị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản đủ điều kiện để tham gia đấu giá do đáp ứng tiêu chí cao hơn 30% tổng vốn đầu tư của các dự án khai thác khoáng sản đã được phê duyệt trên địa bàn.

Sau cuộc đấu giá, vốn chủ sở hữu của 3 đơn vị trúng đấu giá nhỏ hơn 30% giá trúng đấu giá, nên sẽ nhỏ hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án khai thác khoáng sản mà đơn vị phải lập sau khi trúng đấu giá. Do vậy, UBND TP Hà Nội cho biết không đủ điều kiện cấp phép theo quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản: "Nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản: tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản".

Căn cứ kết quả kiểm tra nêu trên, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước đối với kết quả đấu giá 3 mỏ cát, khẩn trương rà soát, thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát trên theo đúng quy định pháp luật.

 UBND TP Hà Nội có văn bản số 1328/UBND-TNMT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT báo cáo kết quả rà soát việc 3 đơn vị trúng đấu giá 3 mỏ cát với tổng số tiền 1.700 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội có văn bản số 1328/UBND-TNMT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT báo cáo kết quả rà soát việc 3 đơn vị trúng đấu giá 3 mỏ cát với tổng số tiền 1.700 tỷ đồng.

Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của doanh nghiệp đến UBND TP Hà Nội xem xét

Tại phiên đấu giá ngày 5 và 6/11/2023 do Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam tổ chức, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn trúng đấu giá mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) có trữ lượng 703.500 m3, giá trúng đấu giá là 396,865 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP trúng đấu giá mỏ Liên Mạc (phường Thượng Cát và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) có trữ lượng cát 508.603 m3, giá đấu trúng đấu giá là 408,290 tỷ đồng và Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá mỏ Tây Đằng - Minh Châu (xã Minh Châu và xã Chu Minh, huyện Ba Vì) có trữ lượng cát 4.899.000 m3, giá trúng đấu giá là 883,93 tỷ đồng.

Trước văn bản báo cáo số 1328/UBND-TNMT của UBND TP Hà Nội, dư luận đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều; trong đó, các doanh nghiệp đã “phản ứng”, đề nghị được công nhận kết quả trúng đấu giá.

Doanh nghiệp cho rằng, lý do UBND TP Hà Nội đưa ra là thiếu thuyết phục.

Đặc biệt, gần đây, các doanh nghiệp đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó trình bày tâm tư, nguyện vọng và mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội công nhận kết quả trúng đấu giá.

Theo các doanh nghiệp, việc tham gia và trúng đấu giá của các công ty là hoàn toàn đúng với các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đấu giá tài sản và các quy định của pháp luật có liên quan.

Căn cứ hồ sơ mời tham gia đấu giá, doanh nghiệp đã lập hồ sơ tham gia đấu giá theo đúng các yêu cầu của hồ sơ mời đấu giá và hồ sơ đã được xét chọn bảo đảm theo yêu cầu, đủ điều kiện vào tham gia phiên đấu giá. Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đã có biên bản công nhận kết quả đấu giá của các công ty.

Doanh nghiệp cũng cho biết, do chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, san lấp, thi công các dự án, hàng năm thực hiện rất nhiều dự án, cần sử dụng hàng triệu m3 cát, trên thực tế hiện nay muốn mua cát số lượng lớn và có nguồn gốc (có giấy phép) rõ ràng cũng rất khó khăn. Vì vậy, để chủ động nguồn cát, bảo đảm tiến độ thi công các dự án của công ty, các doanh nghiệp quyết định bỏ giá cao (có thể lỗ một chút tại mỏ và sẽ được bù lại tại các dự án).

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp đề nghị được phê duyệt kết quả trúng đấu giá, ngày 20/5/2024, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển đơn đến UBND TP Hà Nội để xem xét, xử lí theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

 Thông báo đấu giá các mỏ cát của Công ty đấu giá Hợp Danh Bắc Trung Nam.

Thông báo đấu giá các mỏ cát của Công ty đấu giá Hợp Danh Bắc Trung Nam.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bamboo Star (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Văn bản 1328/UBND-TNMT của UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa làm rõ được các căn cứ pháp lý, chưa cụ thể hóa, phân loại đối với từng kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản để có phương án giải quyết, cụ thể:

Thứ nhất, UBND TP Hà Nội lấy giá cát đổ nền theo công bố của Sở Xây dựng là 176.000đ/m3 – 202.000đ/m3 so sánh với giá cát trúng đấu giá của các doanh nghiệp trúng đấu giá, từ đó cho rằng mức giá trúng đấu giá cao hơn, thậm chí cao gấp nhiều lần mức giá nêu trên là so sánh không đúng đối tượng, làm sai lệch thông tin. Bởi, các mỏ cát trúng đấu giá quyền khai thác là cát xây dựng (được thể hiện trong Quy chế đấu giá ban hành kèm theo Quyết định số 977/QĐ-STNMT ngày 08/8/2023 của Sở TN&MT thành phố Hà Nội, Quy chế cuộc đấu giá của Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam), không phải cát san nền, nên việc sử dụng giá cát san nền để áp đặt vào giá cát xây dựng là không đúng.

Ngoài ra, mức giá này là giá do Sở Xây dựng thành phố Hà Nội công bố đối với cát đổ nền, không phải là khảo sát giá mua bán trên thị trường đối với cát xây dựng. Đơn cử như tại mỏ Tây Đằng - Minh Châu, doanh nghiệp trúng đấu giá với giá 180.500đ/m3 thì cũng không phải mức giá cao so với giá cát xây dựng trên thị trường.

 UBND TP Hà Nội phê duyệt tổng vốn đầu tư các dự án trước đó.

UBND TP Hà Nội phê duyệt tổng vốn đầu tư các dự án trước đó.

Thứ hai, điều kiện vốn chủ sở hữu phải đáp ứng ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án. Luật sư Nguyễn Hoài Nam cho biết, đây là quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định về nguyên tắc và điều kiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới thực hiện việc đấu giá, đang chờ công nhận kết quả trúng đấu giá để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác khoảng sản, các doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản để xem xét điều kiện cấp giấy phép như báo cáo của UBND thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, tại Quyết định số 5027/QĐ-UBND ngày 05/10/2023 của UBND TP Hà Nội cũng đã nêu rõ: “Khi thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đối với đơn vị được phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì tổng số vốn đầu tư của dự án sẽ được thẩm định và phê duyệt theo quy định”. Do vậy, khi doanh nghiệp trúng đấu giá hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản thì cơ quan có thẩm quyền mới xem xét điều kiện để cấp phép hoặc không cấp phép.

Mặt khác, văn bản của UBND thành phố Hà Nội không xác định, chỉ rõ các kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 03 mỏ cát có vi phạm quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản hay không? UBND TP Hà Nội chưa có quyết định công nhận hay hủy kết quả trúng đấu giá đối với quyền khai thác 03 mỏ cát nêu trên theo quy định pháp luật; song UBND TP Hà Nội lại giao Sở TN&MT thành phố khẩn trương rà soát, thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 03 mỏ cát trên theo đúng quy định pháp luật.

"Do vậy, cần xem xét một cách khách quan, dựa trên cơ sở quy định pháp luật đối với kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 03 mỏ cát để đảm bảo hài hòa quyền lợi Nhà nước cũng như doanh nghiệp trúng đấu giá", Luật Sư Nguyễn Hoài Nam đề nghị.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-huy-ket-qua-dau-gia-quyen-khai-thac-03-mo-cat-vi-sao-doanh-nghiep-van-mong-muon-duoc-cong-nhan-post296228.html