Hà Nội: Kết nối cung cầu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Với mục đích để nhiều sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc, đặc sản vùng miền của Hà Nội, cũng như các tỉnh thành trong nước, đặc biệt là các sản phẩm Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) đưa vào Siêu thị Big C Thăng Long và hệ thống siêu thị Go! Việt Nam, sáng nay (8/11), tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Siêu thị Big C Thăng Long tổ chức hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm theo Chương trình OCOP và đặc sản vùng miền vào hệ thống Siêu thị Big C và Go! Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội - cho biết, nhằm đẩy mạnh kết nối rộng rãi tiêu thụ nông sản, sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền đến với người tiêu dùng Thủ đô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam liên hệ với các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP, nông sản sạch an toàn, rõ xuất xứ, nguồn gốc tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại hệ thống siêu thị. Sự “bắt tay” của doanh nghiệp, nhà phân phối sẽ thúc đẩy các sản phẩm đặc trưng vùng miền, các sản phẩm chương trình OCOP của các tỉnh, thành phố phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội và các doanh nghiệp thăm quan gian hàng OCOP

Chia sẻ về việc kết nối đưa sản phẩm nông sản nói chung vào hệ thống siêu thị Big C, bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc thu mua miền Bắc của Big C – cho hay, chương trình thu mua hàng hóa trực tiếp từ các hộ nông dân và HTX với chiết khấu 0% nhằm tạo điều kiên để các sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng thông qua kênh phân phối bán lẻ thực phẩm của Central Group như hệ thống siêu thị Big C và GO! Việt Nam.

Cũng theo và Phạm Thị Thùy Linh, hiện Siêu thị Big C Thăng Long cung cấp hàng nông sản, thực phẩm đứng đầu trong các hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố với khoảng trên 18.000 mã hàng nông sản thực phẩm. Trong đó 96% mã hàng của Việt Nam, tuy nhiên, sản phẩm của Hà Nội chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn với khoảng 200/18.000 mã sản phẩm (1,1%). Tuy số mặt hàng đưa vào Siêu thị Big C Thăng Long không nhiều nhưng giá trị sản lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm của Hà Nội lại chiếm tỷ lệ cao, cụ thể sản lượng sản phẩm rau, củ, quả tiêu thụ chiếm 15%, sản lượng sản phẩm gia sức, gia cầm tiêu thụ chiếm 65%.

Đối với các sản phẩm OCOP, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long - Hà Nội cho biết, hiện trên các kệ của siêu thị Big C đã có 50 sản phẩm OCOP được bày bán. Phía Big C đánh giá cao sản phẩm OCOP vì tính khác biệt của sản phẩm, do đây không chỉ đơn thuần là sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn mang trong mình giá trị truyền thống. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm OCOP đã trở thành bán chạy và có doanh số cao nhất trong quầy hàng hệ thống siêu thị Big C như: Mỳ chũ Bắc Giang; giò me xứ nghệ; nước mắm cái rồng Quảng Ninh.

Tuy nhiên, theo ông Khúc Tiến Hà – Giám đốc Siêu thị Bic C Thăng Long – Hà Nội, các sản phẩm OCOP thường xuyên thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất không ổn định và thường xuyên bị đứt hàng. Nhiều nhà cung cấp không đủ năng lực vận chuyển đến các kho trung chuyển hàng hóa của hệ thống phân phối hiện đại như Big C.

Khách hàng thăm quan gian hàng OCOP

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang đối mặt với ba thách thức lớn gồm: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn; những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, bất bình thường ảnh hưởng đến sản xuất; hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo áp lực lớn cho các sản phẩm trong nước. Đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc do những tồn tại từ nội tại sản phẩm và cả những lý do khách quan. Do đó, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP là yêu cầu bức thiết.

Các chuyên gia nhận định, thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. Việc này, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của công chúng tiêu dùng Thủ đô.

Trong khuôn khổ của Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết, hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là ký kết hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Big C Việt Nam và GO! Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trưng bày trên 85 gian hàng gồm các sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn của Hà Nội, đặc sản các vùng miền của cả nước đồng thời giới thiệu một số sản phẩm hoa, cây cảnh và thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực đô thị. Sự kiện diễn ra từ ngày 8 - 10/11 tại khu vực mặt tiền của Siêu thị Big C Thăng Long (số 222, đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-ket-noi-cung-cau-tim-dau-ra-on-dinh-cho-san-pham-ocop-127924.html