Hà Nội kết nối phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Sáng 7/11, trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ giữa hai nước Israel và Việt Nam, UBND TP. Hà Nội phối hợp Đại sứ quán Israel tổ chức 'Hội thảo doanh nghiệp Việt Nam - Israel trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP. Hà Nội'.
Hội thảo là một hoạt động thiết thực nhằm nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của TP. Hà Nội, là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội và Israel tiếp xúc, kết nối, nắm bắt nhu cầu thị trường nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc hợp tác đối với lĩnh vực nông nghiệp giữa hai bên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Doãn Toản cho biết: Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 12/7/1993, đến tháng 12 cùng năm, Israel mở Đại sứ quán tại Hà Nội, khởi đầu cho nhiều hoạt động quan hệ hợp tác, hiểu biết lẫn nhau, cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm khoa học và công nghệ giữa hai nước nói chung, giữa Israel và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Israel vốn là đất nước có nền nông nghiệp hiện đại và sáng tạo, với nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh điều kiện khí hậu ở Israel vô cùng khắc nghiệt như hạn hán quanh năm, thiếu nước trầm trọng và tỉ lệ sa mạc hóa rất cao nhưng Israel đã làm được sự thần kỳ trong toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, như sản xuất giống, các quy trình canh tác, bảo vệ thực vật, kỹ thuật tưới tiêu, chế biến và bảo quản sản phẩm.
Với tiềm năng phát triển nông nghiệp to lớn, trong những năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Tuy nhiên việc triển khai vẫn còn manh mún, số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố chưa nhiều; khả năng bảo quản nông sản sau thu hoạch, an toàn thực phẩm, chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu của Thành phố. Nên chủ trương của Thành phố trong thời gian tới là tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, lựa chọn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn; đồng thời xây dựng các chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng thương mại, chợ đầu mối tập trung để Thành phố trở thành một trong những đầu mối phân phối, tiêu thụ nông sản hàng đầu của cả nước đồng thời xuất khẩu hàng hóa nông sản tới các thị trường trên thế giới
Ngoài ra, điểm nhấn quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Israel trong năm 2018 là kinh tế - thương mại, đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt trên 1 tỷ USD; Israel có 26 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 68,4 triệu USD, đứng thứ 55 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hà Nội hiện có 7 dự án của nhà đầu tư Israel được cấp phép triển khai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,4 triệu USD trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, xây dựng, y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo… Nhiều DN Việt Nam đã ứng dụng công nghệ cao của Israel trong sản xuất nông nghiệp như: Công ty Vin-Eco, Công ty TH True Milk… và bước đầu đã có những kết quả tốt.
Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đối khí hậu, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở bờ biển và sụt lún… xảy ra ở nhiều nơi khác nhau. Dù còn không ít khó khăn, song Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với những kết quả ấn tượng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt trong các lĩnh vực giảm đói nghèo, phổ cập giáo dục, chăm sóc y tế…. Thông qua hàng loạt Kế hoạch hành động quốc gia (NAP), kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)… Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 và thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trước những vấn đề mang tính toàn cầu.