Hà Nội: Khám, điều trị hơn 10.700 người trong bão Yagi
Các cơ sở y tế ở Hà Nội đã khám, chữa bệnh cho 10.745 bệnh nhân đang được điều trị nội trú, trong đó khám, cấp cứu các tai nạn là 929 trường hợp.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, về công tác đáp ứng y tế ứng phó bão Yagi, tính đến cuối giờ chiều 8/9, các cơ sở y tế Thủ đô đã khám, chữa bệnh cho 10.745 bệnh nhân đang được điều trị nội trú, trong đó khám, cấp cứu các tai nạn là 929 trường hợp.
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã đáp ứng 112/112 lượt yêu cầu cấp cứu, phục vụ 83 bệnh nhân cấp cứu, vận chuyển 15 bệnh nhân tới viện.
Ngoài ra, thống kê thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) gây ra cho các cơ sở y tế của Hà Nội chủ yếu do cây đổ, gãy. Có 14 mái tôn, mái vảy bị bay, hỏng... không có thiệt hại về người.
Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế ứng phó bão số 3 tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Các đoàn thực hiện kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế trên địa bàn các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì và Thường Tín.
Tại các đơn vị được kiểm tra đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư hóa chất, cơ số thuốc đáp ứng cho nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, đối với Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức có thực hiện lọc máu chu kỳ cho người bệnh đã bố trí khu vực nội trú và cung cấp suất ăn cho bệnh nhân trong ngày mưa bão, đảm bảo cấp thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính bệnh viện đang quản lý.
Trong những ngày tới, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường đáp ứng công tác y tế trong và sau mưa bão, kiểm tra, giám sát công tác ứng phó hoàn lưu cơn bão số 3. Theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai, tham mưu kịp thời các phương án, biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai.
Tiếp tục đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu cho người dân 24/24 giờ. Chỉ đạo các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện trên địa bàn, hệ thống y tế tư nhân sẵn sàng tham gia cứu nạn, nhận và triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khi có yêu cầu của cấp trên.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh trong và sau mưa bão, nhất là người dân sinh sống trong vùng ngập lụt có nguy cơ bùng phát các bệnh dịch thường gặp trong và sau mưa bão (tiêu hóa, da liễu, sốt xuất huyết, mắt…).
Ngành y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch tổng vệ sinh môi trường khi nước rút. Tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, nước rút đến đâu khơi thông dòng chảy, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn để xử lý môi trường, dịch bệnh kịp thời.