Hà Nội khẳng định đặt ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm là phương án tối ưu

Sau khi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tư pháp để thống nhất, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình nghiên cứu, thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 (ga Hồ Hoàn Kiếm) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

NDĐT - Sau khi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tư pháp để thống nhất, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình nghiên cứu, thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 (ga Hồ Hoàn Kiếm) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Báo cáo này nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Văn bản số 635/VPCP-CN ngày 15-3-2019 về việc “giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thiết kế và thi công nhà ga C9 (thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 2) bảo đảm đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Báo cáo nêu rõ, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 có chiều dài 11,5 km, trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm, có ba ga trên cao từ C1 đến C3 và bảy ga ngầm từ C4 đến C10. Hiện tất cả các hạng mục tuyến, đề-pô và các ga đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, riêng tổng mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh bờ hồ, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội) chưa được phê duyệt, do chưa nhận được sự thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung liên quan đến khu vực bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Theo UBND TP Hà Nội, khoảng cách giữa ga C8 và C10 là 2,4 km, cho nên ga ngầm C9 ở giữa là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chạy tàu và nhu cầu tiếp cận hành khách khu vực trung tâm, bảo đảm an toàn vận hành khai thác theo tiêu chuẩn của đường sắt đô thị. Ga ngầm C9 gắn liền với hướng tuyến nêu trên về cơ bản đã được phê duyệt từ năm 2008. Trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét bảy phương án khác nhau, sau đó mới lựa chọn phương án đặt ga C9 như hiện nay, trên cơ sở đánh giá, so sánh trên nhiều tiêu chí về bảo đảm an toàn, kỹ thuật, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến dân cư phố cổ, các công trình và cảnh quan khu di tích, chi phí giải phóng mặt bằng, hiệu quả kinh tế, kỹ thuật chạy tàu... để xác định phương án đề xuất phê duyệt là phương án tối ưu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trực tiếp chủ trì cùng các sở, ngành, đơn vị tư vấn làm việc với các trường Đại học (Xây dựng, Kiến trúc), trao đổi với các nhà sử học, các nhà khoa học, kiến trúc sư về quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9. Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức trưng bày, xin ý kiến rộng rãi người dân trong tháng 3-2018 với kết quả 90,3% ý kiến ủng hộ, đồng ý với quy hoạch.

Báo cáo đánh giá, phương án tổng mặt bằng ga ngầm C9 được đề xuất phê duyệt nằm ở vị trí rộng nhất của bờ hồ Hoàn Kiếm, khoảng cách từ kết cấu gần nhất đến hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, khoảng cách đến Tháp Bút và các công trình khác đủ xa (ga C9 cách Tháp Bút khoảng 36 m; tuyến hầm cách Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân Tháp Bút 1m) không gây ra ảnh hưởng lún và các tác động khác khi thi công xây dựng, vận hành khai thác; công trình phụ trợ và các cửa lên xuống được bố trí vào đất của Tổng Công ty điện lực Hà Nội, tránh phải giải phóng mặt bằng nhà dân, được thiết kế kiến trúc hài hòa, không phá vỡ cảnh quan tuyến phố Đinh Tiên Hoàng.

Theo UBND TP Hà Nội, đây là phương án đề xuất đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, bởi: không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư, cho nên không phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng và giảm thiểu rủi ro của việc chậm tiến độ triển khai dự án; Chi phí đầu tư xây dựng thấp nhất do tối ưu về hướng tuyến, ít rủi ro, phức tạp phát sinh trong thi công; vị trí ga C9 được đặt gần khu vực phố cổ sẽ góp phần làm tăng lượng khách du lịch trong nước và quốc tế; tăng khả năng phục vụ nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân, tăng tính kết nối thuận tiện, hiệu quả với các loại hình giao thông khác, giảm mật độ xe cộ lưu thông, giảm nhu cầu điểm đỗ xe, giảm thiểu ùn tắc giao thông...

Như vậy, trên cơ sở đánh giá, so sánh khách quan và khoa học về các yếu tố, UBND TP Hà Nội khẳng định phương án tổng mặt bằng, vị trí ga C9 và hướng tuyến hầm đường sắt đô thị đề xuất phê duyệt là phương án tối ưu.

Từ thực tế trên, UBND TP Hà Nội báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận nội dung báo cáo; thống nhất về vị trí, quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đồng thời, có văn bản đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thống nhất với phương án thiết kế và phương án thi công ga C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

UBND TP Hà Nội Hà Nội cam kết với Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thuộc di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm khi thi công ga C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41681402-ha-noi-khang-dinh-dat-ga-ngam-c9-tai-khu-vuc-ho-hoan-kiem-la-phuong-an-toi-uu.html