Hà Nội khẳng định 'không thể thay thế loa phường'
'Khác với loại hình truyền thông khác, loa phường là phương tiện thông tin không thể thay thế, tập trung tới xã, phường hoặc tổ dân phố riêng biệt', theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội.
Sáng 27/7, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội, chủ trì buổi cung cấp thông tin báo chí xoay quanh việc sử dụng loa phường để tuyên truyền về đường lối, chính sách của chính quyền đến người dân thủ đô.
Lãnh đạo Sở này trước hết khẳng định "Hà Nội chưa từng dừng vận hành loa phường mà chỉ thay đổi cách thức, tần suất hoạt động để thân thiện với người dân".
Theo bà Hương, đài truyền thanh là hình thức thông tin cơ sở đang phát huy hiệu quả và có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu cấp bách về việc truy vết, khoanh vùng và dập dịch đã đòi hỏi thông tin phải nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên và liên tục.
Nói về việc người dân bức xúc do nội dung phát thanh chưa phong phú, chất lượng chưa cao và thời gian phát chưa hợp lý, Phó giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết trong hai năm gần đây, thời lượng phát thanh của loa phường đã giảm xuống.
Cụ thể, tần suất phát được quy định là không quá 2 buổi/ngày, tối đa 15 phút/buổi, không phát vào hai ngày cuối tuần và tránh những vị trí như trường học, nơi có nhiều người già sinh sống.
"Trước đây, hệ thống loa phường thường bố trí thành cụm lớn, hộ dân nào ở gần sẽ bị ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng trong kế hoạch sắp tới, các địa phương sẽ duy trì số lượng loa ít, giảm tiếng ồn và căn cứ tình hình cụ thể để chọn vị trí, số lượng loa cần lắp đặt", bà Hương nói.
Ngoài ra, trong đề án mới, Hà Nội đặt mục tiêu áp dụng trí tuệ nhân tạo hay sử dụng dữ liệu lớn (big data) để không chỉ tiết giảm được nhân sự tham gia công việc này mà còn tăng tính đồng bộ về công tác chỉ đạo, truyền thông.
Theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, khác với các loại hình truyền thông khác, loa phường là phương tiện thông tin cơ sở không thể thay thế do những thông tin này thường chỉ tập trung tới một xã, phường hoặc tổ dân phố riêng biệt.
"Việc tiếp tục sử dụng loa phường không phải câu chuyện của riêng Hà Nội. Hiện có khoảng 20 địa phương trên cả nước đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, trong đó đặt mục tiêu liên quan đến đài truyền thanh", theo lời bà Hương.
Nói về kế hoạch lắp đặt loa phát thanh ở các khu đô thị hoặc nhà cao tầng, bà Hương cho biết Sở TT&TT đã trao đổi thông tin đến ban quản lý một số tòa nhà. Đơn vị sẽ kiểm tra lại cụ thể để thống nhất vị trí đặt loa hoặc có thể tận dụng hệ thống truyền thanh có sẵn trong các tòa chung cư.
Trong Chiến lược phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn, UBND Hà Nội lên kế hoạch đến năm 2025, toàn bộ xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư và có trang thông tin điện tử cấp xã.
Với kế hoạch này, Hà Nội yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở bằng cách trong vòng 3 năm tới, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây không dây FM chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Đến năm 2025, các địa phương sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (big data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ha-noi-khang-dinh-khong-the-thay-the-loa-phuong-post1339667.html