Hà Nội: Khoảng 4,8 triệu người đã có thể dùng căn cước công dân đi khám bệnh thay thẻ BHYT
Hơn 4,8 triệu người ở Hà Nội có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đã được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip để đi khám chữa bệnh, thực tế đã ghi nhận 271.000 lượt người sử dụng…
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội cho biết, ước tính đến ngày 31-12-2022, toàn thành phố có 7.738.435 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 256.303 người so với năm 2021; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,9% dân số, vượt chỉ tiêu được HĐND, UBND Thành phố giao.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, BHXH TP Hà Nội đã phối hợp với cơ sở y tế đẩy mạnh triển khai thực hiện tiếp nhận, làm thủ tục cho bệnh nhân đến khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip.
Việc này nhằm đẩy mạnh thực hiện thay thế thẻ BHYT trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, người dân chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) khi đi khám chữa bệnh mà không cần thẻ BHYT.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đã có 4.800.404 người có thẻ BHYT trên địa bàn thành phố đã được đồng bộ có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh; Có 590 cơ sở khám chữa bệnh áp dụng căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh; số lượt sử dụng căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh là trên 271.000 lượt.
Ngoài ra, BHXH TP Hà Nội cũng ứng dụng hiệu quả Hệ thống thông tin giám định BHYT, đẩy mạnh triển khai cài đặt ứng dụng VSSID-BHXH số nhằm cung cấp kịp thời thông tin về chi phí khám chữa bệnh BHYT để công khai minh bạch, người bệnh BHYT biết và tự giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Để quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT, trong năm 2022, BHXH TP Hà Nội cũng đã triển khai công tác rà soát, tích hợp dữ liệu; tổ chức giám định theo chuyên đề, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và các cơ sở khám chữa bệnh trong công tác đấu thầu mua thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh.
Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Phan Văn Mến yêu cầu bộ phận giám định BHYT tăng cường quản lý chặt chẽ, tiết giảm chi phí khám chữa bệnh BHYT; rà soát các điều kiện pháp lý trong khám chữa bệnh như danh mục thuốc, vật tư y tế, điều kiện hành nghề của bác sĩ… Đặc biệt, ông Mến yêu cầu đôn đốc các cơ sở y tế đẩy dữ liệu lên hệ thống giám định BHYT hàng ngày, phân tích chi phí bất thường để điều chỉnh ngay.
Cũng liên quan nội dung này, BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 3618/QĐ-BHXH về Quy trình giám định BHYT mới được thực hiện từ 1-1-2023, thay thế Quy trình giám định ban hành kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-BHXH từ năm 2015.
Quy trình giám định BHYT mới hướng dẫn 2 hình thức giám định được thực hiện song song: giám định chủ động (giám định do cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện); giám định tự động (sử dụng phần mềm kiểm tra thông tin trong dữ liệu điện tử).
Quy trình hướng dẫn chi tiết các nghiệp vụ giám định chi phí KCB BHYT theo 3 hình thức: giám định trên dữ liệu; giám định trên hồ sơ, tài liệu; giám định thanh toán trực tiếp.