Hà Nội: không nương tay với vi phạm an toàn thực phẩm
Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Kết quả thực tế cho thấy vẫn còn nhiều nỗi lo.
Các địa phương tích cực vào cuộc
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, trên địa bàn huyện hiện có 2.436 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Phần lớn trong số này là các cơ sở hoạt động nhỏ lẻ, do UBND cấp huyện và 21 xã, thị trấn quản lý.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, để bảo đảm công tác ATTP, từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện và 21 xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra đối với 502 cơ sở. Kết quả giám sát của cơ quan chức năng, ghi nhận có 21 cơ sở vi phạm quy định pháp luật về ATTP.
Đáng chú ý, công tác xử lý vi phạm được huyện Quốc Oai thực hiện nghiêm. Toàn bộ 21 cơ sở được xác định có vi phạm đều bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 79 triệu đồng.
Tại huyện Thạch Thất, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP cũng được triển khai khá quyết liệt. Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện đã kiểm tra đối với 402/2.156 cơ sở đang hoạt động trên địa bàn huyện.
Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng địa phương ghi nhận có 11 cơ sở vi phạm quy định pháp luật về ATTP, trong đó tập trung chủ yếu vào những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cơ quan chức năng của huyện đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 cơ sở có vi phạm, với tổng số tiền là 75 triệu đồng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024, thời gian qua, đoàn liên ngành số 2 TP Hà Nội do lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội làm trưởng đoàn, đã tiến hành kiểm tra việc triển khai và kết quả bước đầu tại nhiều địa phương.
Ghi nhận thực tế quá trình kiểm tra, giám sát những ngày qua của đoàn tại Trường mầm non thị trấn Quốc Oai B, cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Dương Văn Quý (huyện Quốc Oai), hay cơ sở sản xuất bánh chè kho tại xã Đại Đồng, Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) đều cho thấy những vấn đề cần khắc phục.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn huyện hiện vẫn còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là bởi các cơ sở sản xuất, kinh doanh đa phần là nhỏ lẻ và thường biến động. Nhiều cơ sở hoạt động theo mùa vụ nên cơ quan chức năng khó quản lý.
Đại diện một số địa phương cũng chia sẻ, nhân lực được phân công theo dõi về ATTP đa số đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó, một bộ phận chủ cơ sở còn chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, ATTP là vấn đề quan trọng, bức thiết, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân nên được TP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Qua ghi nhận thực tế cho thấy, việc triển khai công tác bảo đảm ATTP nói chung, Tháng hành động vì ATTP năm 2024 nói riêng đã được các địa phương tiến hành bài bản, nghiêm túc.
“Bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện tương đối tốt, các địa phương cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở. Kết quả xử lý vi phạm với tỷ lệ cao cho thấy tinh thần quyết liệt của các địa phương…” - ông Nguyễn Đình Hoa đánh giá.
Trong thời gian tới, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác ATTP, các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Cùng với duy trì thường xuyên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở, cần tích cực triển khai lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm để cảnh báo sớm nguy cơ, xử lý nghiêm vi phạm về ATTP để tạo sức răn đe.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-khong-nuong-tay-voi-vi-pham-an-toan-thuc-pham-766590.html