Hà Nội kiểm đếm bắt buộc GPMB để mở rộng trụ sở cơ quan nhà nước
Có 40 chủ sử dụng đất, gồm 39 cá nhân, 1 tổ chức trên địa bàn phường Nguyễn Du thuộc diện phải tiến hành cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc để đo đạc, kiểm đếm đất và tài sản trên đất.
Chiều 11/8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng và Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Du (Hai Bà Trưng) tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc để thực hiện dự án trụ sở Bộ Công an, số 44 Yết Kiêu (Hà Nội).
Theo Kế hoạch của quận Hai Bà Trưng, có 40 chủ sử dụng đất, gồm 39 cá nhân, 1 tổ chức trên địa bàn phường Nguyễn Du thuộc diện phải tiến hành cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc để đo đạc, kiểm đếm đất và tài sản trên đất.
Đúng 14h ngày 11/8 các lực lượng của Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Du; Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận cùng các đơn vị, đoàn thể hệ thống chính trị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã thực hiện lập hàng rào bảo vệ, phát loa thông báo kế hoạch.
Quá trình triển khai công việc được diễn ra công khai, trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, trước khi tiến hành cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc, phía quận và phường sở tại đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục đối các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án trụ sở Bộ Công an về: căn cứ pháp lý, chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… cho các hộ dân nắm và thực hiện quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, các hộ này đã không phối hợp với các cơ quan chức năng, buộc chính quyền địa phương phải thực hiện biện pháp cưỡng chế kiểm đếm giải phóng mặt bằng theo quy định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng giải thích thêm, kiểm đếm tài sản trên đất là một phần quan trọng trong quá trình giải phóng mặt bằng; giúp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương biết được giá trị của tài sản từ đó xây dựng phương án, hỗ trợ đúng, đủ, đảm bảo quy định của pháp luật, tránh thiệt thòi cho người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm, dự án trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu thuộc dự án đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, do trụ sở Bộ Công an - thuộc danh mục cơ quan an ninh quốc phòng, đặc biệt quan trọng.
Đây là dự án được xác định là trọng điểm nên có yêu cầu thực hiện rất quyết liệt về tiến độ hoàn thành.
Tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 phải kết thúc thực hiện trong năm 2023; đảm bảo đúng quy định tại Luật Đất đai là từ khi ban hành thông báo thu hồi đất đến khi hoàn chỉnh thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong vòng 180 ngày.
Thực hiện đúng quy trình, từ cuối tháng 6, quận đã ban hành đầy đủ thông báo thu hồi đất, kế hoạch điều tra kiểm đếm… Còn trước đó, quận đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi với người dân liên quan về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng xác định đây là dự án trọng điểm nên được thành phố hết sức quan tâm và cho cơ chế đặc thù. Theo quy định về giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ tái định cư bằng căn hộ. Tuy nhiên, riêng dự án được phép tái định cư bằng đất tại huyện Đông Anh.
Thực hiện chủ trương đầu tư dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu liên quan đến diện tích đất của 2 quận là Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng; liên quan đến nhiều hộ dân phải giải phóng mặt bằng dành đất cho dự án./.