Hà Nội kiểm soát 'đầu cơ' bất động sản khu vực trung tâm

Hà Nội yêu cầu đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối, công khai, minh bạch; kiểm soát chặt tình trạng 'đầu cơ' bất động sản khu vực trung tâm.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội".

Đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), tính tới năm 2020, khu vực đô thị có 22.934 cơ sở kinh doanh BĐS ngoài nhà nước, trong đó, một số quận tập trung nhiều cơ sở như quận Cầu Giấy (3.600 cơ sở), Thanh Xuân (3.414 cơ sở), Nam Từ Liêm (2.417 cơ sở), Bắc Từ Liêm (2.750 cơ sở), Long Biên (2.680 cơ sở)... thu hút hàng nghìn lao động tham gia, với tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân lĩnh vực kinh doanh BĐS ngoài nhà nước tại các quận Tây Hồ tăng 38,57%/năm, Long Biên (24,4%/năm), Hà Đông (39,14%/năm), Nam Từ Liêm (18%/năm), Bắc Từ Liêm (10,68%/năm)...

Một số quận có tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ kinh doanh BĐS mạnh vào một số năm như Cầu Giấy tăng 86,90% (năm 2016), Nam Từ Liêm tăng 64,1% (năm 2016), Hoàng Mai tăng 82,35% (năm 2018), quận Long Biên tăng 118,7% (năm 2017, 2018), Hai Bà Trưng tăng 50% (năm 2018), Tây Hồ tăng 95,57% (năm 2019)...

Tuy nhiên, UBND TP cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển như một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị như nhà ở, giao thông đô thị, diện tích công viên trên đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Nguồn cầu hiện nay của người dân chủ yếu hướng về các sản phẩm vừa túi tiền thì nguồn cung căn hộ hạng bình dân vẫn ở mức thấp (Ảnh: Hồng Khanh)

Nguồn cầu hiện nay của người dân chủ yếu hướng về các sản phẩm vừa túi tiền thì nguồn cung căn hộ hạng bình dân vẫn ở mức thấp (Ảnh: Hồng Khanh)

Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị. Hạ tầng thương mại khu vực đô thị tồn tại nhiều bất cập, khó khăn.

Từ thực tế trên, để thực hiện Đề án, UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, hiệp hội tham mưu giải pháp về phát triển các sản phẩm BĐS nhà ở, BĐS công nghiệp, BĐS thương mại - dịch vụ (mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, khách sạn...).

“Kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường BĐS phát triển cân đối cung - cầu, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; kiểm soát chặt tình trạng “đầu cơ” BĐS khu vực trung tâm” – văn bản nêu rõ.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng khuyến khích phát triển các loại hình công trình “xanh”, văn phòng “xanh”, khách sạn “xanh” thân thiện môi trường phục vụ thị trường cho thuê và kinh doanh du lịch, phù hợp với định hướng về phát triển thương mại – dịch vụ đô thị trung tâm.

Đồng thời, khuyến khích, ưu tiên phát triển quỹ nhà ở xã hội tại các khu vực định hướng trở thành quận trong thời gian tới. Công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Mất cân đối nguồn cung

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, thị trường căn hộ tại Hà Nội trong quý I/2023 vẫn tiếp tục khó khăn. Đáng chú ý, nguồn cung sơ cấp giảm 4% theo quý và theo năm, đạt hơn 19.480 căn.

Trong đó, nguồn cung mới chỉ đạt hơn 2.040 căn hộ tới từ 2 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án, giảm 30% theo quý và 27% theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 52 triệu đồng/m2, ổn định theo quý và tăng 22% theo năm.

Tình trạng mất cân đối nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra. Khi nguồn cầu hiện nay của người dân chủ yếu hướng về các sản phẩm vừa túi tiền thì nguồn cung căn hộ hạng C (bình dân) vẫn ở mức thấp. Tại thị trường, tỷ trọng căn hộ hạng B vẫn là chủ yếu.

Trong khi đó, nguồn cầu về nhà ở sẽ có xu hướng gia tăng mạnh trong tương lai. Dự kiến, tỉ lệ đô thị hóa của Hà Nội sẽ đạt 62% vào năm 2025 và tăng lên 75% vào năm 2030.

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-noi-kiem-soat-dau-co-bat-dong-san-khu-vuc-trung-tam-2155013.html