Hà Nội kiến tạo không gian sống hạnh phúc trong 4 quận nội đô lịch sử
Ngày 9-8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội phối hợp cùng UBND 4 quận nội đô: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các sở ngành, chuyên gia, nhà khoa học về các định hướng lớn, phương án phát triển 4 quận nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải dự và phát biểu chỉ đạo.
Trình bày phương án phát triển 4 quận, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia chia sẻ, 4 quận nội thành có vị thế “Trái tim của trái tim” cả nước, đã có sự phát triển ổn định nên yêu cầu tìm ra khát vọng phát triển toàn diện khu vực là thách thức rất lớn.
Các nội dung kế thừa định hướng từ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (được phê duyệt năm 2011) gồm bảo tồn di sản Thăng Long và giá trị truyền thống của người Hà Nội; giảm dân số 4 quận nội thành từ 1,2 triệu xuống còn 800.000 dân; hạn chế phát triển không gian các tòa nhà cao tầng, giảm chất thải, bảo vệ di sản, môi trường và dành quỹ đất cho không gian công cộng; di dời một phần các cơ sở đào tạo, y tế, sản xuất ra ngoài nội đô.
Tính đột phá, nét mới trong quy hoạch lần này là tăng được sự hấp dẫn của 4 quận nội đô lịch sử thông qua các giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị thông minh có sự tham gia của cộng đồng; kết nối di sản với cuộc sống đương đại để giới trẻ, nghệ sĩ tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo; cải tạo cảnh quan tuyến phố, phát triển không gian nghệ thuật cộng đồng… thúc đẩy kinh tế di sản, kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, công nghiệp văn hóa.
Trong chỉnh trang đô thị sẽ áp dụng "mô hình đô thị 15 phút" có sự tham gia của cộng đồng. Trong mỗi khu dân cư có đủ các tiện ích hạ tầng xã hội hiện đại, dịch vụ đô thị, ga tàu điện… nhằm kiến tạo nên nhiều không gian sống chất lượng cao, không gian sống hạnh phúc trong 4 quận nội đô lịch sử.
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo 4 quận nội đô cho biết sẽ tiếp tục tập trung cho lĩnh vực bảo tồn giá trị di sản đô thị; sắp xếp lại chức năng sử dụng đất, đặc biệt là những khu vực ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ. Đồng thời nêu đề xuất: Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm kiến nghị các đơn vị tư vấn, lập quy hoạch đánh giá sự tương tác, hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật giữa các quận; quận Ba Đình mong muốn được định hướng quy hoạch nhằm giữ lại dấu ấn, cấu trúc làng xóm vùng đồng bằng Bắc Bộ với 52 di tích văn hóa lịch sử và định hướng phát triển truyền thống, du lịch tâm linh, lễ hội…; quận Hai Bà Trưng đề nghị đơn vị tư vấn có định hướng quy hoạch phát triển mạnh về dịch vụ giáo dục, y tế, du lịch…; quận Đống Đa đề xuất đơn vị tư vấn có phương án nghiên cứu khai thác không gian vỉa hè tại toàn bộ các quận lõi dành cho bãi đỗ xe có thu phí cao, song song quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe ngầm.
Đóng góp vào định hướng phát triển 4 quận trong Quy hoạch Thủ đô, các chuyên gia cho biết hướng phát triển khu vực nội đô tới đây cần nhận diện đầy đủ, chính xác, khoa học về quỹ di sản bởi bên cạnh di sản di tích, không gian tổ hợp là các tuyến phố cũng là nét đặc trưng của Thủ đô. Các đơn vị tư vấn nên đề xuất thiết kế các tuyến phố; nghiên cứu kỹ hơn về quỹ đất, đặc biệt không gian ngầm với các tính toán rà soát về bãi đỗ xe, công trình công cộng ngầm; khai thác nguồn lực văn hóa, con người..
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cùng liên danh tư vấn tiếp thu toàn bộ ý kiến từ lãnh đạo các quận, các chuyên gia để xây dựng báo cáo các nội dung liên quan, tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.
Từ nay đến hết tháng 8, các đơn vị cần tích cực phối hợp, hoàn thiện các nội dung làm việc với mục tiêu tối đa đưa vào Quy hoạch, phát huy các nguồn lực hiện các quận đang có trong tay. Trong đó, tập trung đánh giá kỹ hiện trạng về quy mô dân số; rà soát tài sản công; hoán đổi, chuyển đổi vị trí, chức năng của đất đai trên địa bàn 4 quận.
Tin, ảnh: PHẠM LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.