Hà Nội: Kiên trì đề xuất cơ chế cộng điểm cho học sinh giỏi thành phố
Cơ chế ưu tiên, khuyến khích, cộng điểm đối với học sinh giỏi các môn văn hóa, khoa học lớp 9 cấp TP tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập dù liên quan đến quyền lợi của một bộ phận nhỏ học sinh nhưng được lãnh đạo ngành giáo dục rất quan tâm.
Chưa có cơ chế động viên học sinh giỏi
Kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa và khoa học lớp 9 cấp TP là một trong những kỳ thi uy tín nhất được tổ chức bài bản, chính quy, chất lượng và có độ tin cậy cao. Các học sinh tham dự đội tuyển được coi là những hạt nhân, mũi nhọn, niềm tự hào của nhà trường và các quận, huyện; đồng thời được tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ càng. Với những học sinh đạt giải, kỳ thi là hành trình nỗ lực, quyết tâm, là sự đầu tư rất lớn của không chỉ của thầy trò mà còn của cả phụ huynh. Do đó, việc nhóm học sinh này được ưu tiên trong tuyển sinh lớp 10 THPT công lập là điều xứng đáng.
Tuy vậy, tại Hà Nội, học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP, ngoài được cộng điểm ở vòng sơ tuyển (với học sinh thi chuyên), còn lại, các em không được hưởng bất kỳ chế độ ưu tiên, khuyến khích nào khi tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập.
Trong khi đó, cũng đóng trên địa bàn TP Hà Nội nhưng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN) và Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm (thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội) là hai trường THPT có áp dụng cơ chế tuyển thẳng với học sinh đạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP trong tuyển sinh vào lớp 10.
Thông thường mỗi năm, hai trường này dành 10% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng. Ngoài ra, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội) có cơ chế cộng điểm ưu tiên (tối đa 4 điểm) đối với học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP khi tham dự kỳ thi lớp 10 do trường tổ chức.
Không chỉ vậy, một số trường THPT tư thục chất lượng cao cũng sẵn sàng trải thảm đỏ chào đón học sinh có thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa và khoa học cấp TP thông qua hình thức tuyển thẳng kèm các gói học bổng hấp dẫn.
Xét về tương quan, các trường THPT chuyên và trường THPT công lập trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội đang chịu thiệt thòi so với các hệ thống THPT tư thục và các trường THPT/THPT chuyên trực thuộc đại học. Từng có không ít học sinh đạt giải cao (bao gồm giải Nhất) tại kỳ thi học sinh lớp 9 cấp TP của Hà Nội đã quyết định học các trường THPT áp dụng cơ chế ưu tiên, khuyến khích cũng như có ghi nhận thành tích đã đạt được của các em.
Đề cập vấn đề này, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam Trần Thùy Dương cho biết: Thời gian qua, Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam bị hao hụt khá nhiều học sinh giỏi do học sinh lớp 9 của trường đoạt giải Nhất tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp TP đã chọn Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên sau khi được tuyển thẳng. Điều này gây khó cho công tác chọn lọc, ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của trường về sau….
Tiếp tục tham mưu, đề xuất
Từ thực tế trên, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam kiến nghị giới chuyên môn nên sớm phân tích, đánh giá để có hình thức phù hợp nhằm khuyến khích, động viên với đối tượng là học sinh giỏi cấp TP trên cơ sở đảm bảo công bằng cho tất cả các em.
"Học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp TP đều là những học sinh có năng lực, có ý thức và niềm yêu thích học tập. Các con được tuyển chọn kỹ càng từ cấp trường, cấp quận, lại bỏ rất nhiều thời gian, công sức để ôn luyện, đi thi và đoạt giải. Vì thế, rất nên động viên đối tượng học sinh này bằng cơ chế cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi vào lớp 10 công lập bởi nếu có cơ chế động viên hợp lý sẽ tạo động lực rất tốt cho các con; từ đó kéo chất lượng các kỳ thi ngày càng tăng lên", cô Phạm Thanh Minh, giáo viên có nhiều năm tham gia ôn luyện đội tuyển sinh giỏi Trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân bày tỏ.
Ngoài cơ chế ưu tiên, cô Doãn Thị Đông, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đề nghị cần có cơ chế khen thưởng thích đáng với học sinh có thành tích cao trong các kỳ thi bởi hiện cơ chế khen thưởng của Hà Nội còn thấp so với mặt bằng chung các tỉnh, thành cả nước và không phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Tại hội nghị diễn ra ngày 15/1, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội trao đổi về vấn đề “cộng điểm khuyến khích cho học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp TP" như sau: Nhiều năm nay, Sở GD&ĐT vẫn thực hiện công tác tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là áp dụng quy chế tuyển sinh được ban hành năm 2019 tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN –BGDĐT. Trong quy chế này không có nội dung liên quan đến điểm khuyến khích.
Quy chế tuyển sinh mới 2019 quy định rất rõ về điểm cộng dành cho các đối tượng tham gia tuyển sinh. Điểm cộng này chỉ áp dụng cho các nhóm ưu tiên thuộc các đối tượng chính sách (con thương binh, con liệt sỹ…), không có điểm khuyến khích với học sinh giỏi.
Quy chế tuyển sinh cũng quy định rõ các đối tượng được tuyển thẳng không có đối tượng đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP mà chỉ áp dụng với học sinh đạt giải cấp quốc gia về văn hóa, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật…
Hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành văn bản tuyển sinh liên quan đến công tác tuyển sinh của TP theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, Sở vẫn tích cực lắng nghe ý kiến từ địa phương, cơ sở, phụ huynh, Nhân dân, học sinh và tiếp tục tổng hợp, gửi đề xuất lên Bộ bằng văn bản với mong muốn Bộ sớm điều chỉnh thông tư, ban hành quy chế tuyển sinh cấp THCS và THPT trong thời gian tới".
Về đề xuất mức khen thưởng, được biết, Sở GD&ĐT đang trình HĐND TP Hà Nội nghị quyết liên quan đến quy chế khen thưởng đặc thù của ngành giáo dục. Theo đó, mức khen thưởng với những học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi chính thức (của Bộ, Sở) sẽ thỏa đáng hơn. Cùng với đó, giáo viên có thành tích hướng dẫn học sinh đạt giải cũng được nhận những phần thưởng tương xứng.