Tính đến năm 2020, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu trồng mới một triệu cây xanh. Đây có thể nói là một dấu mốc ấn tượng, tuy nhiên bên cạnh những thành công đó thì thời gian gần đây, người dân Thủ đô ngỡ ngàng trước hình ảnh những bộ gông sắt và cọc chống đỡ đang "siết nghẹt" cây xanh. Chưa kể hàng trăm cây xanh đang bị đóng đinh, cuốn dây rợ đèn nháy, chăng biển quảng cáo... ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển, sinh trưởng.
Trao đổi với báo chí, đại diện Công viên Công ty Cây xanh đã thừa nhận những thiếu sót trong quá trình kiểm tra duy tu, duy trì cây xanh trên địa bàn. Đơn vị cũng cho biết hiện nay trong hơn 600 bộ cọc bó sát vào thân cây thì hơn 400 bộ đã được nới. Những bộ cọc còn lại sẽ được nới hết trong những ngày đầu tháng 11/2022.
Video và chùm ảnh phóng viên ghi nhận quá trình nới lỏng gông sắt trên những cây xanh tại Thủ đô Hà Nội:
Trước phản ánh của dư luận về việc nhiều cây xanh tại Hà Nội đang bị gông sắt siết chặt, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội lý giải việc này là để chống đỡ cây khi mới trồng, đảm bảo cho cây sinh trưởng ban đầu, không bị mưa gió quật gãy đổ.
Theo đó, có khoảng 80.000 bộ cọc, gông sắt được lắp đặt để bảo vệ cây. Nhưng theo thời gian, do chậm trễ trong việc duy tu, bảo trì, chăm sóc, những chiếc gông sắt này đã siết nghẹt thân cây, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng.
Ngay khi nhận được phản ánh, Công ty Cây xanh đã khẩn trương bố trí nhân sự nới lỏng các gông sắt này, đồng thời điều chỉnh lại hệ thống cọc chống đỡ cho phù hợp với sức tăng trưởng của cây.
Tính đến ngày 2/11, đã 500 cây canh được điều trình độ rộng gông sắt.
Số còn lại sẽ được giải quyết triệt để trong đầu tháng 11/2022.
Theo các chuyên gia đánh giá, cọc và gông sắt giúp bảo vệ cây mới trồng tốt hơn so với cọc gỗ trước đây.
Việc chống giữ cây khi mới trồng là bắt buộc để tránh các tác động của thời tiết cũng như giúp cây sinh trưởng tốt.
Tuy nhiên việc chống đỡ chỉ nên sử dụng ở giai đoạn đầu, sau khi cây cứng cáp thì cần phải bỏ đi.
Cùng với mục tiêu của Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh trên cả nước (giai đoạn 2021 – 2025), việc chăm sóc cây xanh tại Hà Nội cũng cần được giám sát chặt chẽ bởi chúng là nhưng thực thể sống, là “lá phổi” của Thủ đô.