Hà Nội: Lãnh đạo huyện Quốc Oai nửa đêm đi kiểm tra, động viên lực lượng trực đê chống lũ
Đêm 10/9, lãnh đạo huyện Quốc Oai và các đoàn thể huyện đã tổ chức kiểm tra, thăm hỏi, động viên lực lượng ứng trực hộ đê và các đơn vị phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện.
Bí thư huyện nửa đêm đi kiểm tra, động viên đơn vị chống lũ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), trên địa bàn huyện Quốc Oai đã có mưa lớn. Thống kê cho thấy, từ 7h00 ngày 06/9/2024 đến 06h00 ngày 10/9/2024, lượng mưa đo được khoảng 290mm. Mực nước sông Tích tại Trạm Vĩnh Phúc (Quốc Oai) tính đến 6h ngày 11/9 là 8,54 mét, trên mức báo động ba 0,54 m (tăng 0,04m).
Ngay sau cơn bão, Bí thư Huyện ủy, Lãnh đạo UBND Huyện trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo khắc phục những hậu quả do cơn bão gây ra, di chuyển các cây xanh bị đổ, đảm bảo giao thông được thông suốt, các hoạt động của người dân được trở lại bình thường.
Ủy ban nhân Huyện, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Huyện đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xử lý cây xanh bị đổ, gãy; rà soát các công trình xây dựng, chung cư cũ, nhà ở riêng lẻ có nguy cơ mất an toàn, bị tốc mái để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn di dời người dân tới nơi ở an toàn khi bão đổ bộ. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Huyện, UBND các xã, thị trấn đã huy động lực lượng của đơn vị triển khai xử lý các cây xanh bị đổ, gãy nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai đã chủ động vận hành liên tục 11 trạm bơm tiêu gồm: Thông Đạt; Vĩnh Phúc; Yên Sơn, Cấn Hạ; Cộng Hòa; Cống Mên; Trại Ro, Ba Tàu; Đìa Thẹ; Đìa Ma; Đồng Tran với 38 tổ máy. Đến nay, về cơ bản các điểm ngập úng trên địa bàn Huyện nước đã rút hết.
Ngay trong đêm 10/9, đoàn công tác của huyện gồm Bí thư huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ cùng các ban, ngành đoàn thể của huyện đã tổ chức kiểm tra, thăm hỏi động viên lực lượng ứng trực hộ đê trên địa bàn.
Do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, thầy cô và lực lượng dân quân tự vệ đã tổ chức di dời bàn ghế, đồ dùng học tập trường Mầm non Tuyết Nghĩa bị ngập do nuớc dâng cao.
Huyện Quốc Oai cũng đã huy động trên 500 người gồm lực lượng quân sự và nhân dân thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp đắp chống tràn bờ bao Liệp Mai ngay trong đêm. Cùng với đó, đã tổ chức di dời 89 hộ với 270 nhân khẩu thôn 2 xã Phú Cát về nhà người thân đảm bảo an toàn khi nuớc sông Tích tiếp tục dâng cao.
Tuyến đê Tả tích đoạn qua thôn Ngọc Phúc bị nứt gần 200m đã xử lý xong theo phương châm “4 tại chỗ” và cho phủ bạt tránh thẩm thấu tiếp tục theo dõi. Tổ chức động viên, thăm hỏi và tặng quà cho một số các hộ dân bị ngập.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ đêm 09/9 đến đêm 10/9 thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 150mm. Địa bàn huyện Quốc Oai lượng mưa dự báo từ 40mm đến 70mm.
Hiện nay mực nước sông Tích đã trên Báo động III, các xã vùng ven Tích (Cấn Hữu, Phú Cát, Đông Yên, Tuyết Nghĩa, Liệp Tuyết, Ngọc Liệp) đã có các thôn bị ảnh hưởng ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Lãnh đạo xã Tuyết Nghĩa trực tiếp phân làn, cảnh báo người dân trên tuyến đường ngập nước
Sáng 11/9, Đường ĐH02 tại xã Tuyết Nghĩa ngập nước. Đây là tuyến đường quan trọng của xã trong việc lưu thông. Vì vậy, từ sáng sớm, Bí thư Đảng ủy xã Tuyết Nghĩa Nguyễn Thị Thanh Loan cùng Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hạnh cùng lực lượng chức năng đã có mặt túc trực và hỗ trợ người dân đi qua an toàn.
Trao đổi với Phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết: "Đây là tuyến đường thường xuyên có bà con đi lại. Ý thức được tuyến đường này ngập cao dễ xảy ra sự cố nên từ sáng sớm, Đảng ủy và UBND xã đã huy động lực lượng ra ứng trực đảm bảo an toàn cho người qua lại. Tại những vị trí đường nhỏ, ngập sâu, chúng tôi đã yêu cầu chắn barie và có nhân sự đứng cảnh báo".
Được biết, xã Tuyết Nghĩa có sông Tích chảy qua. Sáng 11/9, mực nước sông Tích là 8.54m, trên báo động 3. Vì vậy, những ngày qua, lãnh đạo Đảng ủy, UBND, HĐND và các cơ quan, đoàn thể liên tục trực 24/24h. Tại xã Tuyết Nghĩa có khoảng gần 200 hộ bị ngập do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tuy nhiên, rất may mắn là không có thiệt hại về người.
Để chủ động ứng phó với lũ và mưa lớn có thể xảy ra, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quốc Oai yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn; các cơ quan đơn vị tập trung chỉ đạo, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. (Đặc biệt lưu ý tại các xã Đông xuân, Phú Mãn, Đông Yên, Phú Cát, Đồng Quang, Cộng Hòa nơi có các sườn đồi tập trung đông dân cư)
Đối với các xã có sự cố về đê như các xã Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Phú Cát, Sài Sơn, Đồng Quang, Tân Hòa... sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.
Tổ chức trực ban 24/24h theo dõi chặt chẽ tình hình, tổng hợp toàn diện tình hình ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tai trên địa bàn huyện.
Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quốc Oai cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên nắm bắt tình hình, đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân.