Hà Nội lập đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công

Để tạo bước đột phá trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, chính quyền Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, trong đó có việc lập đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội.

Chỉ số hài lòng của người dân chưa cao

Những năm qua, cải cách TTHC luôn là vấn đề được chính quyền các cấp ở TP Hà Nội quan tâm, chú trọng, với mục đích khơi thông những tắc nghẽn về pháp lý, đơn giản hóa các thủ tục để thúc đẩy phát triển toàn diện nền kinh tế của Thủ đô.

Dù đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên, công tác cải cách TTHC của Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và các chỉ số phát triển của thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP Hà Nội liên tục bị tụt hạng từ vị trí thứ 10 (năm 2021) xuống thứ 18 (năm 2022) và đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố vào năm 2023; chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công (SIPAS) của thành phố vẫn ở mức trung bình so với cả nước, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố.

Người dân làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh Thanh Xuân. Ảnh: ANH CHIẾN

Người dân làm thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh Thanh Xuân. Ảnh: ANH CHIẾN

Hiện nay, hoạt động giải quyết TTHC truyền thống còn gặp nhiều bất cập như thiếu tính độc lập; chưa có cơ quan chuyên trách cấp thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết TTHC một cách công khai, minh bạch; chưa thực sự chú trọng đến cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhiều nơi còn thấp, hoạt động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp còn mang tính hình thức; tỷ lệ số hóa hồ sơ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số còn hạn chế, mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân chưa cao.

Tuy đã có triển khai hệ thống máy tính tại UBND các cấp để người dân có thể thao tác, xử lý TTHC thông qua phần mềm nhưng số lượng cán bộ có kỹ năng khai thác, sử dụng chưa nhiều, ảnh hưởng đến việc hướng dẫn người dân thao tác trên máy tính, đặc biệt là với người cao tuổi.

Triển khai nhiều biện pháp đồng bộ

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên địa bàn TP Hà Nội để xứng đáng với vị thế, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo tại Thông báo số 323/TB-VPCP ngày 15-7-2024 của Văn phòng Chính phủ, trong đó yêu cầu TP Hà Nội tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp theo thẩm quyền các TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa theo thẩm quyền ít nhất 50% số quy định, TTHC và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ.

Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND thành phố là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm thực hiện từ tháng 9-2024 đến ngày 30-11-2025.

Thực hiện kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã lập đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công với mô hình hiện đại, khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong giải quyết TTHC. Mô hình mới của thành phố cho phép tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, người dân có thể thực hiện các TTHC tại bất kỳ chi nhánh, điểm tiếp nhận nào thuận tiện, thay vì phải đến các cơ quan hành chính tại địa phương cư trú. Cùng với đó, quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả sẽ được số hóa hoàn toàn, giúp tối ưu hóa thời gian và công sức. Quy trình này được tự động hóa và liên thông giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp, bảo đảm theo dõi, giải quyết TTHC nhanh chóng, minh bạch.

Trước đó, TP Hà Nội đã triển khai ứng dụng iHanoi trên các nền tảng số để hỗ trợ người dân giải quyết những TTHC đơn giản. Ngoài ra, phần mềm tiện ích này cũng cung cấp những thông tin hữu ích về giao thông, y tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, người dân có thể tăng cường tương tác với chính quyền thông qua chức năng phản ánh hiện trường.

Theo anh Nguyễn Minh Đức, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), từ khi có phần mềm iHanoi, tình trạng đỗ xe ô tô và vứt rác bừa bãi trong khu vực dân cư giảm hẳn. “Việc phản ánh những vấn đề bất cập giờ đây trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều, tôi chỉ việc chụp ảnh, nêu thực trạng, sau đó gửi tới chính quyền địa phương thông qua phần mềm iHanoi và được hồi đáp tương đối nhanh”, anh Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Có thể nói, chính quyền TP Hà Nội đang từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng những lợi thế của công nghệ thông tin, triển khai các biện pháp đồng bộ để tạo đà thúc đẩy kinh tế Thủ đô bứt phá mạnh mẽ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Tuy nhiên, để chất lượng giải quyết TTHC thực sự được nâng cao, bên cạnh đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, chính quyền TP Hà Nội cần chú trọng công tác đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm những cán bộ hành chính có tâm, có tầm, giải quyết thủ tục một cách hiệu quả và có trách nhiệm với phương châm vì nhân dân phục vụ.

HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/ha-noi-lap-de-an-thi-diem-va-thanh-lap-trung-tam-phuc-vu-hanh-chinh-cong-795624