Hà Nội: Lật tẩy các thủ đoạn mua bán hóa đơn trái phép
Lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, hiện nay tình trạng một số đối tượng đã thực hiện hành vi gian lận hóa đơn nhằm trục lợi bất chính thông qua các thủ đoạn như: Sử dụng các công ty 'ma' hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, với quy mô lớn...
Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, trong năm 2020, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, số vụ việc gửi cơ quan Công an thực hiện phối hợp xác minh đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, phối hợp chống thất thu là 321 vụ, và trong những tháng đầu năm 2021 là 35 vụ.
Ngoài ra, thông tin với PV Báo BVPL về tình hình xử lý các vụ vi phạm về hóa đơn thời gian qua, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, số vụ việc tiếp nhận và trao đổi thông tin từ cơ quan công an gửi cơ quan thuế là 997 vụ việc, trong đó năm 2020 là 915 vụ, và 2 tháng đầu năm 2021 là 82 vụ. Trong đó, chủ yếu là đề nghị cung cấp thông tin về hồ sơ pháp nhân của doanh nghiệp như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế,... hoặc cung cấp hồ sơ khai nộp thuế của doanh nghiệp như tờ khai, báo cáo tài chính, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp,...
Điển hình, mới đây, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục Thuế TP Hà Nội triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.
Xác định nhóm đối tượng có dấu hiệu sử dụng các công ty “ma” hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng hoạt động với quy mô, tổ chức lớn, thủ đoạn tinh vi nhằm thu lợi bất chính. Công an TP Hà Nội và Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp cung cấp thông tin, xác minh, nắm bắt các đối tượng và thủ đoạn hoạt động phạm tội mua bán trái phép hóa đơn của các đối tượng.
Kết quả phối hợp điều tra, xác minh, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 5 đối tượng gồm: Lê Thị Hạnh (SN 1985, ở tại Tân Mai, Hoàng Mai); Ngô Thị Xuân (SN 1960, ở tại Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng); Nguyễn Nam Khánh (SN 1991, ở tại Chung cư Season Avenue, Mỗ Lao, Hà Đông); Trần Quang Hiếu (SN 1983, chỗ ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) và Nguyễn Đình Vũ (SN 1991, chỗ ở Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Theo ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, để có được kết quả này, thời gian qua, Cục Thuế TP Hà Nội có rất nhiều nội dung phối hợp với cơ quan Công an. Ngay khi phát hiện những đơn vị có dấu hiệu vi phạm, cơ quan Thuế chuyển sang cơ quan Công an đề nghị phối hợp điều tra, cũng như khi cơ quan Công an có những thông tin, dấu hiệu doanh nghiệp vi phạm hay sử dụng trái phép hóa đơn đã kịp thời chuyển sang cơ quan Thuế để rà soát, xác minh, cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời cho cơ quan Công an phục vụ chuyên án điều tra.
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như: thành lập Tổ chống hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm nghiên cứu, phát hiện các hành vi vi phạm và giải pháp phòng ngừa. Tổ này hoạt động nhịp nhàng, cung cấp hồ sơ chính xác, kịp thời cho việc phá án. Trong quá trình điều tra, cơ quan Thuế phối hợp chặt chẽ, chia sẻ nghiệp vụ quản lý thuế hoặc quản lý hóa đơn để xác định chính xác hành vi vi phạm giúp cơ quan Công an có cơ sở điều tra, xác minh cũng như là điều tra, tố tụng sau này.
Đồng thời, thực hiệncảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về thuế, về hóa đơn trên trang web của cơ quan Thuế. Trường hợp người nộp thuế có vi phạm, Cục sẽ thực hiện truy thu thuế và xử lý nghiêm đối với tất cả các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng hóa đơn bất hợp pháp này. Một số trường hợp cố tình không chấp hành thì Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an để xử lý.
Thực hiện các biện pháp tăng cường quản trị doanh nghiệp, đảm bảo hạn chế những sai sót dẫn đến vi phạm pháp luật và thậm chí bị chiếm đoạt tiền mà không biết…