Hà Nội lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm
Thành phố ven sông là mô hình đô thị được các nước trên thế giới chú trọng phát triển. Ở Việt Nam, mô hình thành phố bên sông đã được hình thành từ lâu ở một số nơi như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Huế… Đây cũng là nội dung được nhấn mạnh trong quy hoạch Thủ đô.
Thời gian đã chứng minh rằng việc phát triển các thành phố bên sông là một hướng đi đúng đắn, khi những đô thị này đều có sự phát triển vượt bậc.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho biết: "Dòng sông đầu tiên mang lại sự sống và nguồn nước sinh hoạt; thứ hai, nó phục vụ sản xuất. Chúng ta đều biết rằng một đất nước nông nghiệp thì nước là yếu tố không thể thiếu. Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, các thành phố sinh thái đang được chú trọng. Nếu chúng ta biết tận dụng nước từ sông Hồng, dù hiện nay nguồn nước đã ít đi, và lưu trữ nó ở các vùng đô thị mới, thì không chỉ sông Hồng mà nhiều dòng sông khác cũng có thể lan tỏa giá trị vào các đô thị".
Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, nhận định: "Sông Hồng hiện nay chưa được khai thác hết tiềm năng của mình. Ví dụ, có nhiều khu đất chưa được sử dụng hiệu quả và vẫn còn bỏ hoang. Đồng thời, sự tiếp cận của người dân và du khách với sông Hồng hiện tại còn hạn chế, phần lớn do khoảng cách từ đường giao thông xuống tới bờ sông. Nếu chúng ta triển khai quy hoạch và thực hiện phân khu đô thị sông Hồng một cách bài bản, hiệu quả, thì đây sẽ là một tiềm năng rất lớn".
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã nhấn mạnh sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, đồng thời là không gian văn hóa, di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô với vùng Đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch này sẽ giúp Hà Nội khai thác triệt để tiềm năng của mình, thể hiện “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, đồng thời tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.