Hà Nội: Liên kết nuôi thủy sản công nghệ cao

Sau 5 năm phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ 'sông trong ao', đến nay Hợp tác xã (HTX) Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) đã xây dựng được chuỗi liên kết ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao.

Sơ chế thủy sản tại Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì). Ảnh: Lâm Nguyễn

Sơ chế thủy sản tại Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì). Ảnh: Lâm Nguyễn

Hồi sinh vùng đất trũng

Chỉ tay về phía đồng nước mênh mông, Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Thanh Toàn cho biết, toàn bộ diện tích trước đây đều là ao đầm nhưng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Người dân thường xuyên bỏ ruộng đồng, không sản xuất.

Trước tình hình đó, năm 2018, chính quyền xã Đại Áng đã vận động các hộ dân, làm đầu mối trung gian để tổ chức cho các gia đình ký kết hợp đồng cho thuê hơn 10ha đất. Diện tích này sau đó được giao lại cho HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”.

“Hàng năm, HTX trả tiền thuê đất cho bà con theo đúng quy định pháp luật. Một số trường hợp người dân còn được HTX thuê để phát triển diện tích nuôi trồng. Mô hình được Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá cao, góp phần đa dạng kinh tế nông thôn trên địa bàn xã” - ông Nguyễn Thanh Toàn cho hay.

Với diện tích đất thuê được của các hộ dân, HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã bắt tay vào đào đắp, cải tạo; đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”. Khu ao nuôi với 15 bể được cứng hóa. Đầu bể có máy thổi hút khí, bơm nước vào tạo dòng chảy để cá được nuôi trong môi trường nước giàu oxy. Hệ thống sục khí và thu dọn phân cá cũng được lắp đặt giúp làm sạch môi trường ao nuôi.

Theo Phó Giám đốc HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Nguyễn Văn Thiêm, việc tạo dòng chảy với thói quen của cá là thích vận động bơi ngược dòng nước nên thịt cá thơm ngon, săn chắc hơn nhiều so với nuôi trồng tự nhiên. Thêm nữa, việc theo dõi sự phát triển của cá và phát hiện sớm dịch bệnh cũng được kiểm soát dễ dàng giúp ngăn ngừa rủi ro trong nuôi trồng thủy sản.

Thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Cho đến nay, sau hơn 5 năm, HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã đi vào hoạt động ổn định. Hiện, trung bình mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường khoảng 250 tấn thủy sản các loại, trong đó, chủ yếu là các loại cá trắm, chép, trôi, rô phi, điêu hồng…

Mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của HTX đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm thủy sản thường xuyên được lấy mẫu kiểm tra, nhiều năm nay chưa phát hiện trường hợp mất an toàn.

Không chỉ tự nuôi trồng, HTX còn liên kết với nhiều đơn vị trong và ngoài địa bàn huyện Thanh Trì để đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản. Tổng số đơn vị trong chuỗi liên kết của HTX đến nay đã lên tới hơn 70 hộ. 100% các đơn vị liên kết phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi trồng VietGAP và bảo quản, chế biến đạt chất lượng HACCP.

Anh Đỗ Xuân Bắc, một đơn vị thuộc chuỗi liên kết với HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng cho biết, khi bắt tay với HTX, đơn vị được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản. Từ nguồn thức ăn đến quy trình thu hoạch, sơ chế - bảo quản cũng được chuẩn hóa. Nếu không đáp ứng yêu cầu thì đơn vị sẽ bị loại ra khỏi chuỗi liên kết.

Dù vẫn đang vận hành ổn định, tuy nhiên, Giám đốc HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Cao Đình Thanh Hải thừa nhận, đã có những thời điểm, HTX tưởng chừng không trụ vững, đặc biệt là trong giai đoạn chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao và thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19 khiến lưu thông hàng hóa khó khăn.

Điều đáng nói, dù chi phí sản xuất cao nhưng giá bán thủy sản nuôi trồng theo phương pháp “sông trong ao” lại chưa tương xứng, chỉ ngang bằng hoặc cao hơn một chút so với sản phẩm nuôi trồng thông thường.

Giám đốc HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Cao Đình Thanh Hải cho rằng, để thúc đẩy các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường, các sở, ngành của Hà Nội cần quản lý chặt chẽ chất lượng nông sản nói chung, thủy sản nói riêng lưu thông trên thị trường; tránh tình trạng đánh đồng chất lượng giữa thủy sản được nuôi trồng công nghệ cao và bằng quy trình thông thường.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm có chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để nâng cao giá trị thủy sản, HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã đầu tư khu sơ chế, bảo quản gồm hai dây chuyền, có thể giải quyết được 10 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Sản phẩm của HTX hiện nay cũng đã có bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, việc tiêu thụ đã thuận lợi hơn nhiều. Giá cả các sản phẩm thủy sản cũng được nâng lên.

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-lien-ket-nuoi-thuy-san-cong-nghe-cao.html