Hà Nội: Mặt hàng rau xanh nào đang biến động giá mạnh trong ngày đầu hạn chế đi lại?
Ghi nhận thị trường tiêu dùng ngày 19/7 cho thấy, hầu hết giá lương thực, thực phẩm không tăng quá nhiều. Tuy nhiên, cà chua và bí là mặt hàng đang tăng mạnh.
Theo yêu cầu của UBND Hà Nội, từ ngày 19/7, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, hoặc ra đường mua lương thực, thực phẩm, thuốc men….
Đồng thời, UBND Hà Nội yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Chỉ có một số hoạt động kinh doanh được phép hoạt động, trong đó cho phép các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm được phép hoạt động.
Hầu hết giá lương thực, thực phẩm không tăng quá nhiều. (Ảnh: Việt Vũ)
Trước tình hình dịch bệnh leo thang ở nhiều địa phương, đi kèm với quyết định hạn chế đi lại, nhiều người lo ngại các các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại Hà Nội sẽ tăng giá chóng mặt.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Nhà báo và Công luận tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội, như chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), và chợ Nguyễn An Ninh, chợ Tân Mai (quận Hoàng Mai), hầu hết giá lương thực, thực phẩm không tăng quá nhiều.
Trong đó, giá các loại thịt, như thịt lợn, cá, tôm tương đối bình ổn, duy có thịt bò ghi nhận mức tăng nhẹ, không đáng kể.
Cụ thể, giá thịt bò tăng từ 250.000 đồng/kg lên 270.000 - 280.000 đồng/kg. Trong khi đó, thịt lợn vẫn ổn định trong khoảng 120.000-150.000 đồng/kg, cá chim biển 120.000 đồng/kg, cá nục 55.000 đồng/kg, cá mắm 30.000-50.000 đồng/kg, cá thu 150.000 đồng/kg, cá ngừ 50.000 đồng/kg…
Trong khi đó, giá bán các mặt hàng rau xanh, củ, quả có xu hướng tăng nhẹ, dao động trong khoảng 20% - 30% so với đầu tháng 7.
Cụ thể, rau muống tăng tăng từ 17.000 - 18.000 đồng/bó, lên 20.000 đồng/bó; mướp đắng tăng 13.000 đồng/kg lên 15.000 - 17.000 đồng/kg; mướp ngọt tăng từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; rau ngót, mồng tơi giá 5.000 đồng/mớ;...
Cà chua và bí là mặt hàng đang tăng mạnh. (Ảnh: Việt Vũ)
Tuy nhiên, các tiểu thương bán rau tại các chợ dân sinh cho biết, cà chua và bí là 2 mặt hàng tăng giá mạnh nhất tại thời điểm này, tăng gấp đôi so với hồi đầu tháng 7. Theo đó, giá cà chua tăng từ 20.000 đồng;kg lên 40.000 đồng/kg; bí tăng từ 15.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg.
Bà Hà, một tiểu thương kinh doanh rau, củ, quả tại chợ Nguyễn An Ninh giải thích: “Cà chua, bí và một số loại củ khác đa phần nhập từ các tỉnh phía Nam. Do hiện nay hạn chế đi lại nên giá mới tăng gấp đôi”.
Bà cũng cho biết: Để bảo đảm đủ lượng rau bán trong ngày họ phải mua gom từ nhiều mối thay vì một, hai mối quen như thường ngày.
Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã có chỉ đạo dảm bảo đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu. Theo Sở, hiện tại, giá cả chưa có sự biến động. Các doanh nghiệp vẫn đang nằm trong chương trình bình ổn của thành phố và chưa có dấu hiệu tăng giá.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thời điểm này vẫn đang chịu những áp lực. Theo đó, nguồn nhân lực vận chuyển, bán hàng, kho. Cùng với đó vấn đề lưu thông hàng hóa trong khâu vận chuyển, mỗi địa phương chỉ đạo một cách dẫn đến khó khăn cả trong công tác xét nghiệm, con người, phương tiện vận chuyển.
Một số áp lực về giá đối với mặt hàng phía Nam và đang vận chuyển từ phía Bắc vào như: sản phẩm rau ăn lá, trứng, mặt hàng thực phẩm chế biến. Áp lực chia sẻ nguồn cung cho các tỉnh thành phố miền Nam. Nếu không cân đối thì dẫn đến thiếu hàng cục bộ, giá sẽ tăng lên. Số nhân viên trong hệ thống phân phối chưa được tiêm vắc-xin, do đó, nếu tình trạng có F1, F0 đến thì dễ lây nhiễm, dẫn đến tạm dừng đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Ghi nhận ý kiến đề xuất của hệ thống phân phối, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các hệ thống phân phối đã chủ động rồi thì chủ động hơn nữa, nắm sát tình hình chống dịch của thành phố để chủ động nguồn cung, phục vụ nhu cầu, không để đứt gãy, thiếu hàng cho người dân.
Đồng thời, có phương án cụ thể chi tiết về điều tiết hàng hóa trong hệ thống, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về, chủ động lấy thêm nhà cung cấp.