Hà Nội 'mở đường lớn' đón 'đại bàng' quốc tế đến 'làm tổ', hút FDI công nghệ cao

Với vị thế là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, từ đó tạo thêm nhiều giá trị gia tăng, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn.

Thời gian qua, đầu tư nước ngoài có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP Hà Nội, trở thành yếu tố then chốt dẫn dắt xuất khẩu, cải tiến công nghệ, gia tăng năng suất và tạo ra nhiều việc làm.

“Đất lành, chim đậu”

Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đã và đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu của Hà Nội đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh nghiệp FDI cũng góp phần hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu...

Không chỉ cho thấy vị thế “đất lành, chim đậu”, Hà Nội được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Hà Nội đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để hút vốn FDI.

Hà Nội đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để hút vốn FDI.

Đặc biệt, Hà Nội đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng phát triển nền tảng số, cải cách thể chế, cắt giảm, liên thông các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Chính những yếu tố trên giúp Hà Nội duy trì sức hút với nguồn vốn FDI. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, số liệu từ Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho biết TP thu hút 1.165,3 triệu USD vốn FDI (tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 120 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.036,5 triệu USD; 78 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 55,21 triệu USD và 104 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 73,6 triệu USD.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, TP Hà Nội có hơn 15.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn gần 149.200 tỷ đồng, cùng với đó là 6.012 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 17%). Lũy kế, tổng số doanh nghiệp đăng ký đến nay là 391.880 doanh nghiệp.

TP. Hà Nội cũng đang chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Hút vốn FDI chất lượng cao

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thủ đô đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính, đi đầu cả nước thực hiện mô hình phân cấp, ủy quyền trong giải quyết các thủ tục hành chính. Hàng trăm thủ tục được Chủ tịch UBND TP ủy quyền cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện.

"Điều này đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và hạn chế nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê trong quá trình đầu tư. Vì vậy, đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào địa bàn trong thời gian tới", Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhìn nhận.

Hà Nội đang chủ động hút vốn FDI chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng.

Hà Nội đang chủ động hút vốn FDI chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu thu hút từ 30 - 40 tỷ USD vốn FDI, vốn giải ngân đạt từ 20 - 30 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu, TP Hà Nội đang chủ trương xuyên suốt là đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp.

UBND TP Hà Nội cũng đang chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn TP.

Đồng thời, TP tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, dự án phù hợp với mức độ phát triển của TP; phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

Đặc biệt, Hà Nội đang thúc đẩy đầu tư các khu, cụm công nghiệp hiện đại nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, vốn đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp 139 triệu USD và trên 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt gần 100%. Năm 2023, các khu công nghiệp đã thu hút được 10 dự án mới; 20 dự án mở rộng.

Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Hiện, TP đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp và tổ chức thẩm định thành lập 25 cụm công nghiệp với diện tích 288ha.

Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc

Có thể thấy, việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn là hướng đi đúng để TP Hà Nội đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Hà Nội cũng nhìn nhận chất lượng, hiệu quả và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều hạn chế.

Điển hình như, đầu tư nước ngoài vẫn tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp để tận dụng chi phí lao động thấp và hưởng ưu đãi, như gia công (dệt may, da giày, chế biến gỗ), lắp ráp (điện tử, ô tô, xe máy...) và một số ngành chế biến thực phẩm. Những ngành này thường sử dụng nhiều lao động, suất đầu tư trên 1ha đất sử dụng chưa cao; dự án chủ yếu có quy mô nhỏ.

Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và ưu đãi được hưởng; tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư đăng ký chưa cao; liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ cũng chưa thực sự cao.

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, TP Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để tháo gỡ. Đặc biệt, việc Luật Thủ đô sửa đổi vừa chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 7 vừa qua được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, "mở đường lớn" cho các "đại bàng" quốc tế tới Hà Nội "làm tổ".

Nam Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/ha-noi-mo-duong-lon-don-dai-bang-quoc-te-den-lam-to-hut-fdi-cong-nghe-cao-1101220.html