Hà Nội: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phát huy hiệu quả
Người cao tuổi được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tư vấn chăm sóc và khám sức khỏe miễn phí, từ đó cải thiện, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
Là địa phương có tỷ lệ người cao tuổi khá cao, chiếm khoảng 12,8% dân số, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Các hoạt động mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Năm 2023, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã xây dựng và hướng dẫn triển khai, duy trì mô hình dân số tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 86 mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe, 24 mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, 18 mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được duy trì thường xuyên tại cộng đồng trên địa bàn 579 xã, phường, thị trấn.
Qua đó, ngành Y tế triển khai các hoạt động và đề ra các giải pháp can thiệp để nâng cao vị thế người cao tuổi, nâng cao trách nhiệm các tổ chức và cộng đồng đối với người cao tuổi.
Ngành xây dựng kế hoạch đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Thành phố phối hợp với các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã triển khai 41 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng năm thứ nhất, 45 mô hình năm thứ hai và thực hiện 40 câu lạc bộ người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe.
Đặc biệt, như quận Thanh Xuân, từ tháng 5/2023, quận đã triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại 11/11 phường.
Thông qua hoạt động mô hình, người cao tuổi được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe miễn phí… Từ đó cải thiện, nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần cho người cao tuổi.
Đây là mô hình bổ ích thu hút được đông đảo người cao tuổi tham gia giúp người cao tuổi “Sống vui-sống khỏe-sống có ích.”
Còn quận Long Biên áp dụng mô hình Tsuyama của Nhật Bản đã phát huy hiệu quả tích cực. Sáu tháng qua, 11 điểm luyện tập của các tổ dân phố trên địa bàn quận đã tổ chức 210 buổi luyện tập bài thể dục tránh ngã với 4.250 lượt người tham gia…/.