Hà Nội: Mở 'lối thoát nạn thứ 2' nhằm tăng cường phòng cháy, chữa cháy

Hà Nội đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban Nhân dân các cấp tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nội dung nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.

Lãnh đạo Hà Nội cùng Bộ Công an chủ trị hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lãnh đạo Hà Nội cùng Bộ Công an chủ trị hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 9/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn năm 2023.

Tăng cường công tác phòng cháy

Báo cáo của thành phố cho thấy, trong thời gian vừa qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch chuyên đề chuyên sâu về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô đã được kiểm soát, kiềm chế. Hơn 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh.

Đặc biệt, kể từ khi triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng, riêng trong 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7), đã có hơn 40 vụ việc được người dân sử dụng phương tiện tại điểm chữa cháy công cộng, Tổ liên gia dập tắt đám cháy…

Thông tin thêm, đại diện Công an Thành phố cho biết từ đầu năm đến nay, đã vận động, hướng dẫn đến 108.422 hộ, đạt 100% hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh, tính đến nay đã có 102.034 hộ, đạt 94,1% hộ mở "lối thoát nạn thứ 2."

Đối với các hộ gia đình nhà ở chưa có lối ra ban công, lối lên mái hoặc có nhưng bị chắn, bịt bởi "chuồng cọp," "lồng sắt" kiên cố, đã vận động và có 1.496.239/1.628.346 hộ, đạt 91,3% đã mở "lối thoát nạn thứ 2."

Ngoài ra, đã có 620.938 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay, trong đó, có 512.516 nhà chỉ để ở và 108.422 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh với tổng số gần 1 triệu bình chữa cháy.

Theo thống kê, đến nay, 30 đơn vị quận, huyện, thị xã đã thành lập 5.362 Đội dân phòng tại 5.362 thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố (đạt 100%). Cùng đó, 100% đội viên đội dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Trên địa bàn Thành phố đã thành lập, duy trì hoạt động 3.164/3.164 Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy; xây dựng, lắp đặt 11.422/11.422 điểm chữa cháy công cộng (đạt 100% chỉ tiêu đã đăng ký)… Đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các Tổ liên gia trên địa bàn 579 phường xã thị trấn. Phấn đấu hết quý 3/2023, 100% Tổ liên gia được thực tập phương án chữa cháy.

Báo cáo rút kinh nghiệm về công tác tổ chức chữa cháy đối với 3 vụ cháy gần đây tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức), ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa), số 24A Thành Công (quận Hà Đông), Thượng Tá Ngô Thanh Lâm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh), các vụ cháy đều gây thiệt hại nghiêm trọng về người, hầu hết tài sản đều ám khói, hư hỏng… trong đó, 2 vụ cháy tại huyện Hoài Đức và quận Đống Đa đều là hộ nhà ở kết hợp kinh doanh với vật liệu kinh doanh dễ bắt cháy và cháy nổ.

Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị tập trung thực hiện "4 tại chỗ" trong phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị tập trung thực hiện "4 tại chỗ" trong phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù cả 3 công trình đều có lối thoát nạn thứ 2 tại các tầng ra ban công hoặc có cửa ra tum; các nạn nhân trong vụ cháy đều đã có tham gia tập huấn phòng cháy chữa cháy, song, thời điểm xảy ra cháy đều từ nửa đêm về sáng - thời điểm người dân đều đang ngủ, nên không phát hiện từ ban đầu. Khi phát hiện đã cháy lớn, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.

Qua các vụ việc trên, liên quan đến giải pháp phòng ngừa, Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ đề xuất Công an các quận, huyện, thị xã tuyên truyền để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp từ các phòng ngủ, bởi, thực tế 3 vụ việc nêu trên, phòng ngủ đều có thể mở lối thoát khẩn cấp… đồng thời, tuyên truyền, vận động lâu dài trong các quy định về phòng cháy, chữa cháy và khuyên khích lắp báo cháy tự động với công trình nhà ở riêng lẻ, các hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…

Tập trung thực hiện "4 tại chỗ"

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chủ trương quan trọng trong công tác phòng cháy chữa cháy. Qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ cháy, thiệt hại do cháy so với trước kia… Theo chỉ đạo, lực lượng công an đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy và bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Mặc dù tình hình cháy nổ đã giảm về các tiêu chí, song theo lãnh đạo Bộ Công an vẫn còn xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Các công trình chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chưa đạt tiêu chí phòng cháy chữa cháy, công trình vi phạm hành lang phòng cháy chữa cháy, vi phạm lưới điện còn cao…

Từ những hạn chế trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long đề nghị Thành phố Hà Nội tiếp tục thống nhất đúng và đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với phương châm đặt an ninh con người lên trên hết.

“Hà Nội có đặc thù "ngõ nhỏ, phố nhỏ" do đó, cần có đánh giá cụ thể để triển khai thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy phù hợp với thực tế. Tập trung thực hiện "4 tại chỗ" trong đó, đề cao vai trò của người dân (chỉ đạo trong dân, lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân)…,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Quận Tây Hồ diễn tập công tác phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Quận Tây Hồ diễn tập công tác phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban Nhân dân các cấp tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nội dung nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Hà Nội.

Về chỉ đạo tăng cường "4 tại chỗ" của lãnh đạo Bộ Công an, ông Lê Hồng Sơn đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thị xã rà soát theo Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Công an, từ đó, rà soát các Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, quy trình, bố trí trang thiết bị phải đầy đủ. Sở Tài chính chủ trì phối hợp các sở liên quan và các địa phương thống kê lại tổng kinh phí trang bị cho cơ sở để có phân bổ hỗ trợ cho các địa bàn còn khó khăn.

Đối với việc nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, để bảo đảm 100% có bình chữa cháy và được tập huấn phòng cháy-chữa cháy, ông Lê Hồng Sơn lưu ý các địa phương tăng cường tuyên truyền theo kế hoạch đã được giao. Về xử lý công trình vi phạm, đề nghị Hội đồng Nhân dân tăng cường giám sát, tăng cường chất vấn; các quận huyện thị xã báo cáo khó khăn, vướng mắc…/.

Xuân Quảng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ha-noi-mo-loi-thoat-nan-thu-2-nham-tang-cuong-phong-chay-chua-chay/888103.vnp