Hà Nội: Mỗi Thành ủy viên phải dành ít nhất 1/3 thời gian đi cơ sở nắm tình hình
Dự thảo Quy chế làm việc của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nêu rõ, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố phải dành ít nhất 1/3 thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo, kiểm tra…
Tại hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) diễn ra sáng nay, 28-11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã điều hành phần thảo luận về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy; Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII…
Theo tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày tại hội nghị, dự thảo Quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVII được kết cấu thành 5 chương, 32 điều.
So với quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVI, dự thảo Quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVII bổ sung các điều, khoản quy định chi tiết hơn các nội dung về quan hệ công tác và nguyên tắc, chế độ làm việc; cụ thể hóa các nội dung, phạm vi thuộc thẩm quyền xem xét, cho chủ trương của Thành ủy theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền…
Đáng chú ý, dự thảo Quy chế này nêu rõ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố phải chủ động bố trí, sắp xếp công việc, dành ít nhất 1/3 thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc địa phương; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của nhân dân…
Nêu ý kiến về nội dung này, các đại biểu đều đánh giá cao và tán thành việc dự thảo đã quy định rất cụ thể, rõ ràng các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy...
Theo Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Hoàn, điểm mới nổi bật trong năm 2020, đó là các đồng chí lãnh đạo Thành ủy đã thể hiện rõ tinh thần sâu sát cơ sở, quyết liệt và trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, qua đó, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho cơ sở hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, điểm mới này cần được tiếp tục phát huy trong cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Về dự thảo chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành ủy đề xuất 2 nội dung có tính cấp thiết, chiến lược cần ban hành nghị quyết chuyên đề trong nhiệm kỳ này, gồm: nghị quyết về công tác cán bộ và nghị quyết một số vấn đề về phát triển văn hóa để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp.