Hà Nội mùa Vu Lan

Đến mùa Vu Lan, tâm thức của mỗi người dân lắng lại, hướng về công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, hướng về tổ tiên với lòng hiếu hạnh, sự biết ơn, kính trọng. Một chút lòng thành dành cho cha mẹ, một nén nhang lên tổ tiên, một chút thời gian tìm hiểu về đạo hiếu sẽ càng làm cho mùa Vu Lan Hà Nội thêm ấm áp.

Vu Lan báo hiếu là một trong những nghi lễ quan trọng của những người theo đạo Phật. Lễ được tổ chức vào rằm tháng 7 hàng năm, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ bằng cách nghe lời Phật dạy.

Rằm tháng 7 có thể nói là tháng đẹp nhất trong năm khi những người con học theo hiếu lễ của Mục Kiền Liên tôn giả hướng về cha mẹ, đánh dấu chư tăng kết thúc 3 tháng an cư tỏa sáng công hạnh. Vào những ngày này, người dân Hà Nội thường tới các ngôi chùa ở Hà Nội dâng hương để cầu bình an, hạnh phúc và thể hiện lòng thành kính, biết ơn đấng sinh thành.

Lễ Vu Lan, người dân tới Phủ Tây Hồ cầu bình an. Ảnh: VOV

Lễ Vu Lan, người dân tới Phủ Tây Hồ cầu bình an. Ảnh: VOV

Tiết trời trong dịp Vu Lan năm nay mang cái nắng hanh hanh, tiết trời dịu mát của mùa Thu Hà Nội, cũng vì thế lòng người chùng lại, mọi công việc thường ngày được gác lại để ở nhà cùng gia đình chuẩn bị mâm cơm dâng lên Đức Phật, tưởng nhớ tổ tiên và cùng quây quần bên cha mẹ.

Nhiều người dân đã đến dâng hương tại chùa Quán Sứ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: VOV

Nhiều người dân đã đến dâng hương tại chùa Quán Sứ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: VOV

Theo hòa thượng, TS. Thích Gia Quang cho biết, hiếu đạo trong Phật giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vi tình cảm mẹ cha mà được đề cập đến một cách trọn vẹn và siêu việt với Tứ trọng ân. Bốn ân ấy được coi trọng vì theo giáo lý Nghiệp báo và Duyên khởi của Phật giáo, trong thế giới duyên sinh tương tác, mọi chúng sinh đang hiện hữu, đều tồn tại trong mối hỗ tương duyên khởi trùng trùng; đã thụ ân của vô số chúng sinh và đến đời này lại thụ ân của cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng. Ân Tam bảo đã soi sáng và dẫn bước trên con đường tu học và ân quốc gia đã bao bọc, chở che chăm lo cho cuộc sống của mình được bình an, hạnh phúc.

Mang ý nghĩa nhân văn lớn, cảm nhận những giá trị sâu sắc, ngày lễ Vu Lan trở thành ngày báo hiếu của người dân Việt Nam. Ngày này đều nhắc nhở chúng ta phải luôn nhớ đến công ơn của cha mẹ, tổ tiên, rộng hơn là cội nguồn dân tộc, làm những việc hiếu nghĩa để tỏ lòng biết ơn, tình cảm chân thành đến các bậc sinh thành, dưỡng dục chúng ta, những người mang lại cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay.

Mỗi gia đình người Hà Nội đều chuẩn bị mâm cơm dâng lên tưởng nhớ tổ tiên vào dịp này. Ảnh: Kinhtedothi

Mỗi gia đình người Hà Nội đều chuẩn bị mâm cơm dâng lên tưởng nhớ tổ tiên vào dịp này. Ảnh: Kinhtedothi

Có thể nhận thấy, ba trụ cột văn hóa quan trọng nhất ở Việt Nam là gia đình - cộng đồng làng xã và quốc gia dân tộc. Đức báo ân trong Phật giáo có khả năng tạo lập chất keo gắn kết các cá nhân với gia đình, cộng đồng và xã hội. Điều này thể hiện qua Đại lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, công ơn giáo dưỡng của thầy Tổ, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và trên tất cả Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến đất nước đồng bào, đến các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhớ tới ơn đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối hữu công, anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Lòng biết ơn, đạo lý làm con, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" cần được bồi đắp, lan tỏa. Đó cũng là truyền thống, là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Tổng hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-mua-vu-lan-190221.htm