Hà Nội muốn 'xanh hóa' 100% xe buýt | Hà Nội tin mỗi chiều
Hà Nội muốn 'xanh hóa' 100% xe buýt; Cụ bà bị đối tượng giả danh công an lừa 500 triệu đồng... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Hà Nội muốn “xanh hóa” 100% xe buýt
"Xanh hóa" xe buýt là yêu cầu tất yếu nhằm tiến tới một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường. Đó cũng chính là lý do thành phố Hà Nội hạ quyết tâm chuyển hệ thống xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh vào năm 2035, sớm hơn 15 năm so với yêu cầu của Chính phủ.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Việc chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon là nhiệm vụ quan trọng để giảm ô nhiễm môi trường.
Việc triển khai đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố có tác động đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn, đến quyền lợi của người dân. Đây là vấn đề quan trọng cần có sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như đa số người dân Thủ đô.
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh được nêu tại Quyết định số 876 ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế đầu tư mới phải là xe buýt điện hoặc sử dụng năng lượng xanh.
Thực tế, hiện tại với 2.034 xe buýt trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch. Hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên, còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu diesel cần thay thế. Số liệu này cho thấy nhiệm vụ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh sớm hơn 15 năm là không hề dễ thực hiện.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội Bùi Danh Liên, "xanh hóa" xe buýt là một chủ trương đúng đắn và hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của lộ trình này nằm ở cơ chế vốn, phụ tùng thay thế cũng như nguồn năng lượng để duy trì vận hành một lượng xe rất lớn.
Trên thực tế, quá trình xanh hóa xe buýt trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra sớm và bước đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực. Song, hành trình chuyển đổi còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, có các thách thức lớn về vốn đầu tư, chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực, nguồn vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các bước, như quy hoạch về trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế, chính sách để hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải, nhà đầu tư, xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh, ví dụ như trạm sạc điện tại các bến bãi, các điểm đầu cuối và các điểm đỗ xe công cộng.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có những buổi làm việc với 11 doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ xe buýt. Tinh thần xuyên suốt trong những buổi làm việc đó là các doanh nghiệp cần phải bắt tay vào chuyển đổi ngay lập tức, không có đường lùi. Bên cạnh đó, để nắm bắt được tâm tư của các doanh nghiệp, Sở sẽ song hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.
Theo lộ trình tại Quyết định số 876, giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, toàn bộ xe buýt Hà Nội được đầu tư mới hoặc thay thế xe cũ phải là xe sử dụng năng lượng xanh (điện và khí nén CNG). Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; đối với xe taxi, 100% xe thay thế, đầu tư mới đều sử dụng năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh.
Hà Nội: Một cụ bà bị đối tượng giả danh công an lừa 500 triệu đồng
Công an thành phố Hà Nội thông tin, Công an quận Hà Đông đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 500 triệu đồng. Vào ngày 31/5/2024, một cụ bà (sinh năm 1949; trú tại Hà Đông) có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu bà chuyển tiền để xác minh. Do lo sợ nên bà đã chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã cơ quan công an trình báo.
Giả danh cơ quan công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy của các đối tượng. Trước đó, ngày 24/5/2024, Công an phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm cũng từng tiếp nhận tin trình báo của một nạn nhân sinh năm 1953 về việc bị chiếm đoạt tài sản.
Nạn nhân này tường trình có nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ công an. Người này thông báo bà đang liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền đồng thời yêu cầu bà cung cấp tài khoản ngân hàng để chứng minh không liên quan. Do lo sợ nên bà đã chuyển 1,1 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã cơ quan công an trình báo.
Cơ quan công an nhận định, thời gian qua nhiều người cao tuổi ở nhiều địa phương đã bị sập bẫy lừa đảo với đủ loại chiêu trò khác nhau. Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn này, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất. Trong mỗi gia đình các thành viên nên dành thời gian quan tâm đến người cao tuổi để kịp thời nhận ra những biểu hiện bất thường, từ đó kịp thời hỗ trợ giúp họ xử lý các tình huống lừa đảo như hiện nay.